Palestine hôm 15-1 chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên nhóm “G77 và Trung Quốc” từ Ai Cập, với cam kết bảo vệ quyền được phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nước hiện phải sống dưới sự chiếm đóng của nước ngoài.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu trong một cuộc họp tại Ramallah ngày 15-8-2018. Ảnh: AFP/TTXVN.
Việc trở thành nước dẫn dắt một tổ chức liên chính phủ lớn nhất của các nước đang phát triển tại Liên Hợp Quốc được đánh giá như một sự công nhận của quốc tế dành cho những nỗ lực của Palestine trên hành trình tìm kiếm quy chế Nhà nước thành viên tại Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Palestine Riyad al- Maliki hôm 15/1 cho biết, Palestine dự định trong những tuần tới sẽ trình lên Liên Hợp Quốc yêu cầu được công nhận là một quốc gia thành viên, chứ không chỉ là một quan sát viên như hiện nay.
Theo ông Maliki, Palestine hiểu rằng nước này chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phủ quyết của Mỹ. Song đây không thể trở thành rào cản đối với những nỗ lực của Palestine. Để có thể trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, một yêu cầu như thế trước tiên phải được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Mỹ là quốc gia có quyền phủ quyết tại cơ quan Liên Hợp Quốc này, cùng với 4 quốc gia khác là Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Năm 2011, Palestine cũng từng đề cập tới ý định này, song không gửi yêu cầu chính thức lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc do sự phản đối của Mỹ.
Tuy nhiên phát biểu tại buổi lễ nhậm chức ở thành phố New York, Mỹ, nơi đặt trụ sở Liên Hợp Quốc, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh, hiện nay, trên cương vị Chủ tịch luân phiên nhóm G77, quyền phát triển là một quyền mà Palestine sẽ nỗ lực tăng cường và thực hiện.
Theo ông, cộng đồng thế giới cần phải bảo vệ quyền này, cả đối với những nước hiện phải sống dưới sự chiếm đóng của nước ngoài, trong đó có Palestine: “Phát triển con người bền vững là sự phát triển của tất cả mọi người và vì mọi người. Chúng ta phải đảm bảo và bảo vệ quyền phát triển của tất cả các dân tộc, bao gồm cả những nước đang phải sống dưới ảnh hưởng của sự chiếm đóng nước ngoài và Palestine cũng không phải là một ngoại lệ.”
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa Garces đánh giá cao những đóng góp của G77 là một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương, trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh sự ủng hộ rất tích cực của G77 trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư.
“G77 đã đề ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng và chúng ta vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. Tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với G77 và Trung Quốc trong năm 2019, cũng như với nhà lãnh đạo Palestine. Chính quyền Palestine và người dân của mình có kinh nghiệm trực tiếp trong những vấn đề toàn cầu phức tạp. Vì thế họ hoàn toàn xứng đáng đảm nhận vai trò dẫn dắt nhóm những nước quan trọng này”.
“G77 và Trung Quốc” thực tế là một nhóm gồm 134 nước, chiếm tới 3/4 số các nước thành viên của Liên Hợp Quốc và 80% dân số toàn cầu. Việc Palestine được trao quyền Chủ tịch nhóm “G77 và Trung Quốc” được quyết định hồi tháng 9/2018. Chỉ 1 tháng sau đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết, trao cho Palestine thêm các quyền hợp pháp để có thể đảm nhận tốt vai trò mới. Các nhà phân tích cho rằng, việc trở thành nước dẫn dắt một tổ chức liên chính phủ lớn nhất của các nước đang phát triển tại Liên Hợp Quốc như G77 có thể xem là một sự công nhận của quốc tế dành cho những nỗ lực của Palestine trên hành trình tìm kiếm quy chế Nhà nước thành viên tại Liên Hợp Quốc, cũng như gia tăng lợi thế của nước này trong các cuộc đàm phán hòa bình với Israel./.
Theo THU HOÀI (VOV)