Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà K.C cho biết, từ mối quan hệ quen biết, khoảng tháng 10/2022, ông T.P.Q (sinh năm 1990, ngụ xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân) nhiều lần chuyển tiền cho con bà (L.T.N, sinh năm 1992) vay. Chuyện riêng của con, vợ chồng bà không hay biết. Khi sự việc đổ bể, N. thừa nhận hỏi vay 1 tỷ đồng vì thiếu nợ ngân hàng, có làm biên nhận. Lo cho con, đồng thời liên tục bị phía ông Q. hăm dọa, gia đình bà gom được 170 triệu đồng trả nợ.
Tuy nhiên, phía ông Q. không đồng ý, khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Phú. Kết quả, Bản án dân sự sơ thẩm 179/2023/DS-ST, ngày 4/8/2023 của TAND huyện Châu Phú buộc N. trả cho ông Q. trên 885 triệu đồng, gồm tiền gốc và lãi suất. Đồng thời, tòa tuyên bố, vợ chồng bà K.C không có trách nhiệm liên đới trả nợ của con trai. Không đồng ý với bản án, ông Q. kháng cáo đến TAND tỉnh. Kết quả, Bản án dân sự phúc thẩm 44/2024/DS-PT, ngày 1/2/2024 của TAND tỉnh giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm; không chấp nhận kháng cáo của ông Q.
"Chúng tôi tưởng sự việc đã được giải quyết. Nào ngờ, nửa tháng sau khi có bản án phúc thẩm, chiều 17/2/2024, nhóm 4 người đi trên xe ôtô tự xưng người thân của ông Q., đe dọa vợ chồng tôi: "Ngày mai, hai người phải đưa 200 - 300 triệu đồng. Nếu không, chuyện sắp tới sẽ không biết", rồi cả nhóm rời đi. Tương tự, từ ngày 21/2 - 31/3, nhóm này 3 lần (đi xe gắn máy, xe tải nhỏ) đến nhà tôi lấy bàn ghế, tài sản giá trị. Bị chúng tôi ngăn cản, họ đập bể cửa nhà, 6 chậu cây, để lại vật chứng là cây búa" - bà K.C kể.
Cũng theo trình bày của bà, lợi dụng lúc nhà vắng người, nhóm này 2 lần quăng nhớt thải và chất dơ vào nhà. Tất cả 6 lần bị gây rối, khủng bố, lấy tài sản, vợ chồng bà đều trình báo ban nhân dân ấp, Công an xã Khánh Hòa. Sự việc được tiếp nhận, lực lượng chức năng, địa phương đến hiện trường ghi nhận, lập biên bản. Đồng thời, yêu cầu gia đình bà tiếp cận đối tượng để làm rõ danh tính, có thêm chứng cứ, cơ sở để xác minh, điều tra.
Nhận định sự việc, luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, tài sản là một trong các quyền của tổ chức, cá nhân được pháp luật ghi nhận, bảo hộ bằng các chế định bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quy định chặt chẽ. Khi bị đập phá tài sản, người dân cần ứng xử phù hợp, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho bản thân, tránh vướng vào lao lý, vừa tìm cách lưu giữ chứng cứ.
Về hành vi đập phá tài sản của người khác, tùy vào trị giá hư hỏng, thiệt hại của tài sản; mức độ nguy hiểm của hành vi, pháp luật có chế tài tương ứng. Cụ thể, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng (hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử phạt hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự...) sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức, gây thiệt hại tài sản trị giá từ 50 triệu đồng trở lên, tài sản là bảo vật quốc gia; dùng chất nguy hiểm về cháy nổ hoặc các thủ đoạn nguy hiểm khác... có thể bị phạt tù từ 2 năm trở lên, mức cao nhất là 20 năm tù. Lưu ý, phần trị giá ở đây là chỉ mức độ thiệt hại của tài sản, chứ không phải về giá trị tài sản. Do tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng chưa định giá, nhưng vật chứng đang lưu giữ là cơ sở xác định giá trị thiệt hại của tài sản.
N.R