Pháp kêu gọi nối lại tiến trình hòa đàm Trung Đông

17/08/2020 - 14:04

Ngày 16-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông sau khi Israel và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP-TTXVN

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter sau khi điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Macron cho biết trong cuộc điện đàm, ông đã tái khẳng định với nhà lãnh đạo Palestine về quyết tâm thúc đẩy hòa bình cho khu vực Trung Đông. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm đạt được một giải pháp công bằng, tôn trọng luật pháp quốc tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước mà ông cho là lựa chọn duy nhất giúp tạo dựng một nền hòa bình lâu dài và đúng nghĩa ở khu vực.

Về phía Tổng thống Palestine, hãng thông tấn WAFA của Palestine đưa tin Tổng thống Abbas nhấn mạnh "UAE hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng không thể nói hộ mong muốn của người Palestine". Ông nêu rõ Chính quyền Palestine không chấp nhận "viện dẫn Palestine làm lý do để biện hộ việc bình thường hóa quan hệ". Theo WAFA, Tổng thống Abbas đã nhận lời mời của Tổng thống Macron tới thăm Paris để thảo luận vấn đề Palestine "với điều kiện nhanh chóng ấn định thời gian thực hiện chuyến thăm".

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-8 tuyên bố UAE và Israel đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ nhờ sự trung gian của Washington, Tổng thống Macron đã hoanh nghênh động thái này, cho rằng quyết định cho thấy UAE mong muốn đóng góp cho việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Như vậy, UAE sẽ là quốc gia Arab thứ 3 bình thường hóa quan hệ với Israel, cùng với Ai Cập (năm 1979) và Jordan (năm 1994) và là quốc gia đầu tiên ở vùng Vịnh có động thái này. Israel đã đồng ý đình chỉ kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây. 

Ngoài Pháp, các quốc gia khác như Đức, Oman, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã bày tỏ ủng hộ thỏa thuận giữa Israel và UAE, đồng thời hy vọng bước đi này sẽ tạo điều kiện cho việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Trung Đông. Mới đây nhất, ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Mauritania cho biết nước này ủng hộ các quyết định của UAE liên quan đến lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của thế giới Arab và Hồi giáo. Tuy nhiên, Chính quyền Mauritania không thay đổi lập trường về vấn đề Palestine và quyền chủ quyền của người Palestine đối với một quốc gia có thủ đô ở Jerusalem.

Trong khi đó, Palestine, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối thỏa thuận. Bộ Ngoại giao Palestine, theo chỉ thị của Tổng thống Mahmoud Abbas, đã lập tức triệu hồi Đại sứ tại UAE nhằm phản đối thỏa thuận. Trưởng đoàn đàm phán của Palestine Saeb Erekat ngày 16-8 lo ngại thỏa thuận trên có thể đặt dấu chấm hết cho giải pháp 2 nhà nước. Theo nhà đàm phán này, cả chính quyền Palestine ở Bờ Tây và phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát dải Gaza đều phản đối thỏa thuận. Ông này cũng cho biết đã viết thư gửi tới Saudi Arabia và Bahrain đề nghị gây áp lực với UEA nhằm hủy bỏ thỏa thuận. Ngoại trưởng Saudi Arabia đã hồi đáp, tái khẳng định quan điểm ủng hộ một thỏa thuận hòa bình toàn diện dựa trên giải pháp 2 nhà nước, trong khi phía Bahrain chưa có câu trả lời chính thức. Tới nay, Saudi Arabia, một quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực, vẫn chưa chính thức lên tiếng về thỏa thuận Israel-UAE.

Theo thỏa thuận, phái đoàn Israel và UAE sẽ gặp nhau trong những tuần tới nhằm ký các thỏa thuận song phương về việc thiết lập đại sứ quán. Ngày 16-8, Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi và người đồng cấp UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã điện đàm trong đó hai bên nhất trí thiết lập một kênh liên lạc trực tiếp trước khi hai nước chính thức ký kết thỏa thuận bình thường hóa. Thông báo của Bộ Ngoại giao UAE nêu rõ hai bên sẽ thiết lập một kênh liên lạc điện thoại trực tiếp.

Theo Báo Tin Tức