Phát huy giá trị Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú

10/03/2023 - 06:17

 - Từ ngày 10 đến 13/3 (nhằm ngày 19 đến 22/2 âm lịch), trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) diễn ra Lễ hội Văn hóa truyền thống lần thứ XXI/2023 kỷ niệm 150 năm (1873 – 2023) Ngày Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên, nhằm khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc và nhắc nhở, giáo dục thế hệ hôm nay tiếp bước tiền nhân, ra sức xây dựng quê hương.

Từ một vùng rừng rậm, ngập nước, hoang vu, trải qua quá trình khẩn hoang và nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến nay, huyện Châu Phú trở thành vùng đất trù phú, dân cư đông đúc. Với điều kiện tự nhiên có nhiều sông ngòi và Quốc lộ 91 đi qua, huyện Châu Phú ngày càng khẳng định vị trí cầu nối quan trọng giữa 2 thành phố: Long Xuyên, Châu Đốc.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Phú luôn đồng lòng, nỗ lực xây dựng quê hương. Nhờ đó, mức tăng trưởng kinh tế của huyện trong nhiều năm  đạt mức khá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên.

“Để có cuộc sống yên bình, ấm no như ngày nay, bao thế hệ người đi trước của dân tộc Việt Nam nói chung và huyện Châu Phú nói riêng đã đánh đổi bằng xương máu. Bao lớp anh hùng ngã xuống hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với cả nước, trên vùng đất Châu Phú diễn ra những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, thể hiện tinh thần quật khởi, phản kháng, quyết không cam chịu sự cai trị của thực dân Pháp như cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản cơ Trần Văn Thành khởi xướng và chỉ huy.

Qua đó, tạo nên mốc son chói lọi trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta”- Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXI/2023 Nguyễn Văn Bé Tám chia sẻ.

Người dân tưởng nhớ, tri ân Quản cơ Trần Văn Thành nhân lễ kỷ niệm hàng năm

Năm 1872, Quản cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi binh chống Pháp, lấy hiệu binh Gia Nghị và tổ chức nhiều đợt tấn công vào các nơi chiếm đóng của quân Pháp ở xung quanh căn cứ Bãi Thưa, dọc theo sông Hậu và rạch Mặc Cần Dưng…

Sau nhiều lần quân Pháp tấn công, chiêu dụ Trần Văn Thành không thành công, ngày 19/3/1873 (nhằm ngày 20/2 âm lịch, năm Quý Dậu), Pháp tổ chức tổng tấn công căn cứ Bãi Thưa. Sau một ngày cầm cự, trước hỏa lực mạnh của Pháp, căn cứ Bãi Thưa thất thủ, Trần Văn Thành ra lệnh cho nghĩa binh và gia đình rút lui, tránh được tổn thất lớn, riêng ông mất tích.

Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại và Quản cơ Trần Văn Thành ra đi nhưng tiếng vang về lòng yêu nước vẫn còn mãi. Vùng đất Láng Linh được Trần Văn Thành và người dân khai phá xưa kia giờ đây trở thành vùng đất màu mỡ, ruộng đồng bao la, đời sống dân cư sung túc.

Ghi nhớ công lao khai hoang, phục hóa, chống giặc ngoại xâm của Quản cơ Trần Văn Thành, nhân dân Châu Phú đã lập đền thờ tại trại ruộng Láng Linh (xã Thạnh Mỹ Tây). Năm 1986, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Năm 2003, nhân kỷ niệm 130 năm ngày giỗ của Quản cơ Trần Văn Thành, huyện Châu Phú quyết định lấy ngày 21/2 (âm lịch) hàng năm là ngày Lễ hội Văn hóa truyền thống của huyện.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXI/2023 kỷ niệm 150 năm Ngày Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh là dịp ôn lại trang sử oanh liệt, truyền thống hào hùng, tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc, tri ân và khắc ghi công lao to lớn của các bậc tiền nhân, anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho thế hệ hôm nay có cuộc sống tươi đẹp.

Nhân lễ kỷ niệm năm nay, UBND huyện Châu Phú tổ chức khánh thành tượng Quản cơ Trần Văn Thành đặt tại Khu di tích đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành. Kinh phí thực hiện tượng Quản cơ Trần Văn Thành trên 6,3 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước cấp xây dựng bệ tượng trên 1,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp xây tượng trên 4,8 tỷ đồng. Đây là tấm lòng của người dân trong và ngoài địa phương tưởng nhớ công lao của Quản cơ Trần Văn Thành và nhắc nhở thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước của bậc tiền nhân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Thông qua Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú, lãnh đạo huyện kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương Châu Phú ngày càng giàu đẹp. Cùng nhau giữ gìn, trùng tu, tôn tạo khu di tích đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành ngày càng khang trang; giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp lễ hội hàng năm của huyện nhà. Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Phú luôn trân trọng, tự hào và tạo mọi điều kiện để Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện diễn ra trang trọng, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, thật sự là hoạt động mang đến giá trị tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân…”.

MỸ LINH

 

Liên kết hữu ích