Phát triển bền vững ĐBSCL từ phát triển đô thị

31/10/2023 - 06:04

 -  “Xây dựng đô thị thông minh, xanh - sạch - đẹp – sáng, gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” là chủ đề thi đua năm 2023 do Hiệp hội các đô thị Việt Nam phát động. Tích cực tham gia phong trào này, cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ chú trọng phát triển mô hình quản lý đô thị, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường, nâng cao đời sống người dân đô thị.

Hệ thống giao thông không ngừng phát triển, mở rộng và thông suốt tại các đô thị vùng ĐBSCL, góp phần kết nối đô thị trong vùng và liên vùng. Mỗi đô thị không ngừng cập nhật, ứng dụng mô hình phát triển mới, tạo điểm nhấn độc đáo, bảo tồn, phát huy vẻ đẹp thiên nhiên cho vùng.

Để tăng mảng xanh cho đô thị, ngoài ban hành quy định, chính sách khuyến khích khu ở xanh, duy trì mặt nước tự nhiên, hồ điều hòa, hạn chế san lấp kênh rạch hiện hữu… các đô thị thường xuyên rà soát trục đường chính, khu vực có cây xanh lâu năm, đề ra giải pháp chăm sóc.

TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đang triển khai đề án phát triển cây xanh đô thị, như: Trồng mới, thay thế và bổ sung, quy hoạch cây xanh phù hợp khí hậu, mỹ quan. TP. Cần Thơ cải tạo công viên cây xanh ven sông rạch, hình thành không gian công cộng ven sông, lấy yếu tố mặt nước làm điểm mạnh trong quá trình khai thác tiềm năng đô thị.

Xây dựng đô thị sạch, nhiều nơi đã và đang đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, điển hình như TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) nâng cấp hệ thống lên quy mô công suất 15.000m3/ngày, đêm; xây dựng mới hệ thống đường ống thu gom nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, tạo điều kiện sống tốt hơn cho cư dân. TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre) thí điểm đầu tư xây dựng mới một số trạm trung chuyển rác; giao nhận rác vào ban đêm để đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị.

Xác định công tác chỉnh trang đô thị đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý, phát triển, toàn cụm huy động nguồn lực đầu tư, quản lý trật tự đô thị. TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) vận động Nhân dân cam kết không lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ. TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) ngầm hóa đường dây, đường ống tuyến đường đô thị, xây dựng hàng chục tuyến đường “văn minh đô thị”. TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) chỉnh trang mạng cáp viễn thông ở 298 tuyến hẻm, khu phố… dài gần 200km. TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) nâng cấp hơn 1.600 bộ đèn LED tiết kiệm điện (600 bộ đèn được kết nối thiết bị thông minh, điều khiển trực tiếp tại Trung tâm điều hành IOC)…

Đô thị thông minh là nội dung mới, được nhiều địa phương triển khai thí điểm, bước đầu nhận về kết quả tích cực. Điển hình như, TP. Long Xuyên, sau 2 năm triển khai, Trung tâm IOC tiếp nhận, kịp thời trả lời phản ánh của người dân về lĩnh vực đời sống xã hội; hoàn thành công trình thay thế tủ điện điều khiển hệ thống chiếu sáng; 100% trường học triển khai tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ Trần Nguyễn Hoàng Nam (cơ quan thường trực Cụm trưởng Cụm đô thị Tây Nam Bộ, nhiệm kỳ 2016 - 2022) chia sẻ: “Có vị trí địa lý thuận lợi, nhưng vùng ĐBSCL đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bất cập trong hợp tác khai thác, bảo vệ tài nguyên sông Mekong… Nguồn lực cho phát triển đô thị huy động không đủ, dẫn đến kết cấu hạ tầng đô thị nhiều nơi chưa tương xứng với tầm vóc.

Việc tuyên truyền, phát động phong trào xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị bền vững… tuy được quan tâm, nhưng kinh phí hạn hẹp, dẫn đến hiệu quả cũng hạn hẹp theo. Mặt khác, một số nơi phát triển nhanh, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát tình trạng dân cư tự phát, gia tăng mật độ xây dựng, ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan đô thị, gây sức ép lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội”.

“Hiệp hội các đô thị Việt Nam đóng vai trò cầu nối sẽ tiếp tục tác động đến bộ, ngành liên quan hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật tại đô thị; thường xuyên tổ chức hội thảo, chuyên đề thiết thực luân phiên tại các đô thị Tây Nam Bộ, đặc biệt quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ngập lụt, triều cường, sạt lở… Qua kết quả thi đua, hiệp hội lựa chọn mô hình, giải pháp hay để tổng kết, giới thiệu cả nước học tập.

Trước mắt, toàn cụm tổ chức hoạt động gắn kết hội viên; đẩy mạnh hợp tác cùng các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức hội nghị, hội thảo liên quan phát triển đô thị, mô hình phát triển đô thị thích hợp cho vùng ĐBSCL nói chung, từng đô thị nói riêng, nhằm xây dựng đô thị có bản sắc, tận dụng triệt để đặc điểm phát triển đặc thù” - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây (Phó Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Cụm trưởng Cụm đô thị Tây Nam Bộ) chia sẻ.

Cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ gồm 30 đô thị hội viên của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Trong đó, có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương (TP. Cần Thơ), 18 đô thị là thành phố trực thuộc tỉnh, còn lại là thị xã trực thuộc tỉnh. Mới đây nhất, TX. Tịnh Biên được gia nhập Hiệp hội các đô thị Việt Nam. Năm 2023, TP. Châu Đốc là một trong 9 đô thị được đề nghị khen thưởng.

AN KHANG