Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa

09/07/2019 - 07:48

 - Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 17-5-2018 về việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh đã từng bước được thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Du khách đến với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc)

Tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế khuyến khích, xuất khẩu sản phẩm văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) văn hóa - văn nghệ, thể thao, du lịch phát triển. Xây dựng và dần hoàn thiện đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao từ nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực xã hội thông qua đẩy mạnh xã hội hóa. Các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng để duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu và thu hút nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa như giao lưu văn nghệ, thể thao. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng và dần hoàn thiện đồng bộ các thiết chế thể dục - thể thao (TDTT) từ nguồn ngân sách để duy trì và phát triển các hoạt động TDTT, nhằm đáp ứng nhu cầu và thu hút nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo, giao lưu và hưởng thụ các giá trị về TDTT, đến nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Cụ thể như: số nhà thi đấu đạt 45% số huyện, thị xã, thành phố; số hồ bơi 25m đã phủ khắp 11 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ TDTT phục vụ nhân dân.

Xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng như: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ… Khuyến khích các DN trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, nhất là mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.

Bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại. Khuyến khích thành lập các DN, ưu tiên các DN hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện có chất lượng; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực liên quan với nghệ thuật biểu diễn. Thường xuyên quan tâm và cử đi đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề như: đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ thiết kế sân khấu, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, biên kịch, nghệ sĩ biểu diễn, người dẫn chương trình, người mẫu... 

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 19-7-2018 về quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh An Giang, trong đó có nội dung về hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh sau khi các tổ chức, cá nhân hoàn thiện dự án đầu tư và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định.

An Giang với thế mạnh khai thác các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh gắn với các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng là chủ đạo, thời gian qua chú trọng phát triển du lịch tại 4 trọng điểm du lịch của tỉnh: Khu du lịch núi Sam, Khu du lịch núi Cấm, Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di chỉ kiến trúc văn hóa nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê.

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích