Phát triển du lịch cộng đồng tại Tịnh Biên

29/08/2018 - 06:54

 - An Giang là vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp gắn với sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Đây chính là điều kiện tốt nhất để phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng (DLCĐ) nói riêng. Đặc biệt là các huyện miền núi Tịnh Biên, Tri Tôn càng mang những vẻ đẹp tiềm ẩn như một “nàng công chúa ngủ trong rừng”, cần một sự “đánh thức” kịp thời để làm đa dạng thêm những sắc màu trong bản đồ DL An Giang.

Tại hội thảo lần 1 được tổ chức vào tháng 7-2017, do Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, các giảng viên nghiên cứu thuộc Khoa Khoa học xã hội và nhân văn của trường đã khảo sát và lựa 3 xã An Hảo, Vĩnh Trung và Văn Giáo (Tịnh Biên) để phát triển mô hình DLCĐ (homestay). Bởi, 3 xã trên đã hội tụ đủ những điều kiện phát triển, với xã Vĩnh Trung có đội xe ngựa và nghề nuôi ngựa có thể khai thác phục vụ khách DL, có các điểm chùa nổi tiếng gắn với lễ hội đua bò như: chùa Thơ Mít, có đặc sản bánh canh Vĩnh Trung. Xã Văn Giáo có làng nghề dệt cổ truyền nổi tiếng của người Khmer (ấp Sây Sà Kot), có thể khai thác để du khách có thể tham quan làng nghề và kết nối với điểm tham quan nổi tiếng rừng tràm Trà Sư. Xã An Hảo có thể “ghi điểm” với khách bằng cách tổ chức chương trình văn nghệ “Đêm hội Khmer” để khách tìm hiểu không gian âm nhạc dân tộc bản địa, tổ chức tour DL đi bộ đường dài khám phá núi Bà Đội Om, tìm hiểu nghề lấy nước và nấu đường thốt nốt, tham quan vườn cây ăn trái và vùng trồng dược liệu.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phát triển DLCĐ do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, thành lập các tổ dịch vụ DLCĐ và tập huấn kỹ năng phục vụ DLCĐ cho người dân địa phương như các tổ: hướng dẫn viên, phục vụ lưu trú homestay, phục vụ ăn uống, tham quan làng nghề dệt thổ cẩm Khmer ở xã Văn Giáo, văn nghệ Khmer ở xã An Hảo.

Phát triển du lịch cộng đồng tại Tịnh Biên

Rừng tràm Trà Sư, điểm nhấn của du lịch địa phương.

Sau 1 năm xây dựng và triển khai mô hình, nhóm nghiên cứu đã thiết kế một số tour trải nghiệm. Đó là tour 2 ngày trong tháng 5-2018 cho 12 giảng viên và sinh viên ngành DL (Trường ĐH Cần Thơ); tour 2 ngày trong tháng 6-2018 cho 18 giảng viên và sinh viên ngành DL và ngành văn hóa Khmer Nam bộ (Trường ĐH Trà Vinh).

Sau khi lấy ý kiến của các đoàn tham gia, PGS.TS Đào Ngọc Cảnh (Trường ĐH Cần Thơ) tổng hợp: “Bên cạnh những phong cảnh đẹp và nét đặc trưng bản địa, phải nhìn nhận rằng chất lượng dịch vụ DL chưa cao, người dân còn do dự, chưa mạnh dạn phát triển DL, mức sống của người dân còn thấp, thiếu vốn đầu tư phát triển DL, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, các giá trị văn hóa truyền thống đang có dấu hiệu bị mai một, suy giảm”.

Do vậy, để phát triển hơn mô hình DLCĐ trong thời gian tới, theo Ths Cao Mỹ Khanh (Trường ĐH Cần Thơ), Ban Chỉ đạo phát triển DLCĐ cần thành lập các tổ hợp DL cho các phum, sóc- nơi diễn ra các hoạt động DLCĐ, phải tạo nguồn nhân lực địa phương, lựa chọn các hộ gia đình còn lưu giữ kiến trúc nhà của người Khmer, có khả năng giao tiếp tốt, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các điểm DLCĐ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của CĐ, đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa khách tham gia chương trình DLCĐ.

Đồng thời, địa phương cần kêu gọi vốn đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa để cải thiện hạ tầng giao thông, có chính sách an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, tạo điều kiện cho các hộ làm DLCĐ vay vốn, phát triển thêm các loại hình dịch vụ, góp phần đa dạng thêm các sản phẩm DLCĐ.

Cùng với đó là chú trọng lưu giữ nét văn hóa ẩm thực địa phương, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm DL truyền thống, đa dạng quà lưu niệm, nâng cao các hoạt động trải nghiệm của du khách, phát huy tính năng động, sáng tạo của thanh niên, tổ chức đoàn hội, nhất là thanh niên dân tộc để hoạt động DLCĐ địa phương có nhiều đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách DL gần xa.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích