Phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biên giới ở huyện An Phú

04/03/2022 - 05:03

 - Huyện An Phú (tỉnh An Giang) xác định nông nghiệp là nền tảng, kinh tế biên giới là mũi nhọn, trong đó xã Đa Phước và thị trấn Long Bình là đòn bẩy cho phát triển kinh tế.

Năm qua, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và sức khỏe của người dân. Nhưng dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự hỗ trợ của các sở, ngành; sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện An Phú; sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, địa phương từng bước đưa cuộc sống nhân dân về trạng thái bình thường.

Năm 2021, có 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt so với kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 603 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch; giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD (tăng trên 22% so kế hoạch năm 2020). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 692 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Riêng Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 đã vận động trên 36 tỷ đồng, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, người dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương và các hoạt động phòng, chống dịch… Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì ổn định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh biên giới được đảm bảo…

Hạ tầng giao thông ở huyện An Phú ngày càng hoàn thiện

Năm 2022, dự báo tình hình còn diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề mới nảy sinh; thiên tai và biến đổi khí hậu luôn tiềm ẩn nguy cơ; dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường gây nhiều khó khăn, thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phục hồi kinh tế nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, về phát triển kinh tế, An Phú xác định nông nghiệp là nền tảng của kinh tế. UBND huyện và các ngành, địa phương sẽ định hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ hàng hóa nông sản, như: Lúa, cá, trái cây, rau màu…

Đây là cơ hội để người dân chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả, tạo thu nhập cao, nâng giá trị gia tăng. Củng cố, khắc phục những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là vấn đề quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, giai đoạn hội nhập và phát triển, hướng tới sản xuất bền vững. Do đó, huyện An Phú vừa quy hoạch, vừa đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển vững chắc hơn, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.

Năm 2021, thực hiện chủ trương phòng, chống dịch, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Khi dịch bệnh được kiểm soát, kỳ vọng hoạt động SXKD biên giới nhộn nhịp trở lại, tạo cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cửa khẩu Long Bình đang được tiếp tục đầu tư xây dựng các hạng mục, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của một khu kinh tế cửa khẩu. Năm 2021, huyện An Phú kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Chính phủ nâng cấp Cửa khẩu Long Bình thành cửa khẩu quốc tế để tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động SXKD, thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện An Phú và tỉnh An Giang.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, huyện An Phú tập trung triển khai thủ tục để xây dựng các công trình trọng điểm. Theo đó, tập trung xây dựng giao thông xã bờ Đông (xã Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Trường) tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại của nhân dân. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình, như: Tuyến dân cư di dân tự do Khánh An; cầu An Phú - Vĩnh Lộc; đường bờ Đông liên xã; cầu Vĩnh Trường - Đa Phước; khu đô thị, vui chơi, giải trí Bắc Quốc lộ 91C; các công trình hạ tầng cơ sở để đạt tiêu chí xã nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo và một số công trình trọng điểm khác...

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Rà soát, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh biên giới đồng bào dân tộc thiểu số Chăm trên địa bàn.

Triển khai Công tác dân vận của hệ thống chính trị được chú trọng; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở và địa bàn dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch COVID-19 gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh…

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là các đồng chí Huyện ủy viên, người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, mặt trận, đoàn thể huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo quyết liệt hành động, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

HỮU HUYNH