Phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Châu Thành

31/12/2023 - 06:27

 - Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, điều hành, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Nhờ vậy, thực hiện thắng lợi toàn diện giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), tạo tiền đề thuận lợi để địa phương tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển năm 2024.

Ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025

Dưới sự tập trung lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, sự điều hành của UBND huyện, giám sát của HĐND huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ, các ngành, các cấp, tình hình KTXH huyện Châu Thành tiếp tục chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng bền vững. Hoạt động thương mại, dịch vụ, văn hóa, xã hội khá nhộn nhịp, sôi động. Các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế được địa phương tập trung toàn diện, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân.

UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai kế hoạch cụ thể đối với 5 đề án trọng điểm của huyện giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM), đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính.

Năm 2023, huyện Châu Thành thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất (GO) giá so sánh năm 2010 trên 15.857 tỷ đồng (tăng 1.469 tỷ đồng so năm 2022). Công tác thu chi ngân sách được triển khai đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn gần 83 tỷ đồng. Đời sống Nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người 68,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững…

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện Châu Thành nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, chú trọng tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác, gắn kết hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Tình hình sản xuất nông nghiệp tuy gặp khó khăn, nhưng địa phương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tổng diện tích gieo trồng cả năm trên 81.528ha (tăng trên 1.030ha so cùng kỳ). Giá trị sản xuất giá so sánh năm 2010 lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 5.006 tỷ đồng. Đến nay, huyện chuyển đổi cây trồng trên 1.218ha (trên 51ha cây ăn trái, trên 1.167ha rau màu).

Các công trình trọng tâm phục vụ phát triển KTXH, quốc phòng - an ninh, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư nâng cấp, làm thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các xã, thị trấn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được thực hiện với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Huyện quan tâm đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của công ty, doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Cùng với đó, huyện Châu Thành huy động nguồn lực xây dựng NTM, nỗ lực đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025. Trong đó, tập trung rà soát, nâng chất tiêu chí đã đạt; hoàn thành tiêu chí chưa đạt, với giải pháp thiết thực, cụ thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, tổ chức đoàn thể trong xây dựng NTM. Đến nay, huyện Châu Thành đạt 2/9 tiêu chí, tương đương 6/36 chỉ tiêu xây dựng huyện NTM; có 9/11 xã đạt chuẩn NTM, 4/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Song song với việc tập trung tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với xây dựng NTM, huyện Châu Thành còn chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào lĩnh vực có lợi thế. Huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông… nhằm mở rộng không gian cho đô thị trung tâm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút và mời gọi đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hồ Hữu Tài nhấn mạnh, năm 2024, địa phương tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết năm 2024 và nhiệm kỳ 2020 – 2025, bằng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiệu quả 5 đề án trọng điểm của huyện; tái cơ cấu nông nghiệp, huy động mọi nguồn lực cùng Nhân dân xây dựng huyện NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Ngoài ra, thực hiện hiệu quả công tác khuyến công, cải cách hành chính, kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống Nhân dân.

TRUNG HIẾU