Phát triển làng nghề truyền thống

09/05/2018 - 06:47

 - Phát triển các làng nghề truyền thống (LNTT) không những góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa TT, mà còn góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện hay, các LNTT đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh, mở rộng thị trường. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển đang là vấn đề được quan tâm.

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, một số sản phẩm của LNTT có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn LNTT đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu về vốn, thị trường tiêu thụ và công nghệ... khiến hoạt động rơi vào tình trạng khó khăn.

Nghề làm tranh kiếng huyện Chợ Mới (An Giang)  có bề dày trên dưới trăm năm, tập trung ở 3 xã: Long Điền A, Long Giang và Long Kiến. Các sản phẩm phong phú, đa dạng như: tranh phong cảnh, tranh chữ, tranh điển tích... Trước đây, nghề làm tranh kiếng rất hưng thịnh, nhưng những năm gần đây, sản phẩm không còn hút hàng như trước.

Theo ông Huỳnh Minh Quang (xã Long Giang, Chợ Mới), do tranh kiếng không còn được ưa chuộng, sản phẩm (SP) làm ra khó bán nên nhiều cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng.

Thực tế, SP ở một vài LNTT vẫn sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, đổi mới mẫu mã... Điều này dẫn đến khó khăn trong việc đưa SP tiếp cận với thị trường. Thêm vào đó, giá cả luôn biến động, trong khi giá nguyên - vật liệu ngày càng tăng là trăn trở của các hộ trong LNTT.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động (LĐ) đang là bài toán khó đối với các cơ sở sản xuất. Mặt dù công tác đào tạo nghề, truyền nghề được các địa phương coi trọng, nhưng giữ được LĐ gắn bó tại địa phương đang là vấn đề nan giải.

Ông Trần Minh Đoàn, người đại diện LN mộc Chợ Thủ (xã Long Điền A, Chợ Mới) chia sẻ: “Tình trạng thiếu hụt LĐ ở đâu cũng có. Như nghề mộc Chợ Thủ, LĐ chưa có tay nghề sẽ được các cơ sở đào tạo theo yêu cầu của từng công việc. Tuy nhiên, khi đã thành thạo tay nghề, LĐ thường có xu hướng đi những nơi khác như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai... để tìm việc. Những nơi này trả lương cao hơn rất nhiều so với địa phương”.

Phát triển làng nghề truyền thống

Lao động có tay nghề khó bám trụ với các LNTT ở địa phương

Hỗ trợ phát triển

Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trong việc phát triển LNTT, trước tiên tìm cách cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng SP theo thị hiếu, yêu cầu của thị trường. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng SP thì việc quảng bá, giới thiệu SP là rất quan trọng, nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường. Ngoài ra, việc phát triển du lịch tại các LNTT cũng là một giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Ông Đinh Hùng Cường, Tổ trưởng LN đan đát Long Giang (Chợ Mới) chia sẻ: “Việc xây dựng thương hiệu cho SP của LNTT có ý nghĩa rất lớn đối với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiện SP đan đát của chúng tôi đã có thương hiệu riêng nên việc mua, bán rất thuận lợi. Thông qua địa chỉ website của LN, nhiều khách hàng chủ động liên hệ với chúng tôi để đặt hàng nên SP làm ra được tiêu thụ hết, không có tình trạng tồn đọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ gắn sản xuất với du lịch để nghề đan đát ở địa phương ngày càng phát triển”.

Cùng với sự nỗ lực của các LNTT, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển LNTT, như: đầu tư mua sắm trang thiết bị; tạo SP công nghiệp và thu hút LĐ nông thôn; tổ chức dạy nghề, truyền nghề tạo ra những mặt hàng chất lượng; hỗ trợ xúc tiến thương mại... Qua đó, thu hút nhiều LĐ nông thôn, khai thác nguyên liệu tại địa phương tạo ra SP có giá trị trong phát triển kinh tế du lịch, đó là việc làm thiết thực của xu hướng hội nhập.

Việc phát triển các LTNT ở nông thôn sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu LĐ ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát triển làng nghề truyền thống

Sản phẩm mộc của làng nghề có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

ĐÌNH ĐỨC

 

Liên kết hữu ích