Con người có đang mắc kẹt trong "bẫy tiến hóa"? (Ảnh minh họa: Getty).
Với những công nghệ hiện đại và tiện nghi không ngừng xuất hiện xung quanh chúng ta, thật dễ để cảm thấy lạc quan về sự thịnh vượng của nhân loại trong tương lai.
Thế nhưng theo các nhà khoa học, con người sẽ sớm nhận thấy rằng thành công của chúng ta không hiện hữu với tư cách là một giống loài được đảm bảo.
Nói cách khác, chúng ta đang trải qua một giai đoạn được gọi là "polycrisis", nơi rất nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đến đại dịch toàn cầu, có thể đe dọa và khiến kỷ nguyên của loài người (kỷ nguyên Anthropocene) sớm kết thúc.
Nghiên cứu mới do một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Stockholm, Thụy Điển, dẫn đầu đã phác thảo 14 "bẫy tiến hóa" khác nhau mà dân số toàn cầu có thể đã mắc phải. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến sự diệt vong của chính nhân loại.
"Con người là một loài có khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc", Peter Søgaard Jørgensen, nhà nhân chủng học từ Đại học Stockholm, cho biết. "Chúng ta có thể đổi mới và thích ứng với nhiều hoàn cảnh, nhưng khả năng này hóa ra lại gây ra những hậu quả không thể lường trước được".
14 bẫy tiến hóa được liên kết với nhau theo mô tả của các nhà nghiên cứu, được cho là có thể dẫn đến sự diệt vong của loài người (Ảnh: Søgaard Jørgensen và cộng sự).
Trong số 14 bẫy tiến hóa có thể xảy ra đối với nhân loại, gồm có 5 loại mô hình được coi là toàn cầu, bao gồm: Đơn giản hóa, tăng trưởng để tăng trưởng, quá mức, chia rẽ và lây lan.
Những mô hình này chủ yếu đề cập đến các hình thức dẫn đến xung đột trên diện rộng, thậm chí là toàn cầu, như sự xuất hiện của các hệ thống trở nên quá chuyên biệt để có thể thích nghi, hoặc sử dụng nhiều hơn mức mà Trái Đất có thể cung cấp.
5 loại tiếp theo được mô tả là bẫy công nghệ, gồm: Cơ sở hạ tầng kín, ô nhiễm hóa học, công nghệ hiện sinh, quyền tự chủ về công nghệ, và thông tin sai lệch/sai sự thật.
Đây chủ yếu là mối quan hệ giữa chúng ta với môi trường do sự đẩy mạnh quá nhanh của công nghệ, dẫn tới hàng loạt tác hại không thể lường trước như biến đổi khí hậu từ nhiên liệu hóa thạch, vũ khí hạt nhân, quyền tự chủ công nghệ...
4 loại cuối cùng được các nhà nghiên cứu mô tả là bẫy cấu trúc, gồm: Chủ nghĩa ngắn hạn, tiêu dùng quá mức , mất kết nối sinh quyển và mất vốn xã hội địa phương.
Những loại này mô tả về một thế giới kỹ thuật số ngày càng cắt đứt sự tương tác xã hội và có khả năng góp phần gây ra sự chia rẽ hơn nữa bởi sự ích kỷ của con người.
Bức họa Chúa Kitô ở Limbo mô tả sự hỗn mang, được vẽ bởi Hieronymus Bosch (Ảnh: Wikipedia).
Theo Søgaard Jørgensen, "bẫy tiến hóa" vốn dĩ là một khái niệm được biết đến trong thế giới động vật. Tại đó, cách thức vận hành của chúng tương tự như khi nhiều loài côn trùng bị thu hút bởi ánh sáng và lao tới. Đây được ví như một phản xạ tiến hóa có thể khiến chúng bị giết chết.
Trong thế giới hiện đại, loài người cũng có nguy cơ phản ứng với các hiện tượng mới nổi theo những cách có hại. Mặc dù đây là một bức tranh khá ảm đạm về nhân loại, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng nỗ lực để hình tượng hóa chúng từ cuộc sống hiện đại.
Họ cho rằng, nhân loại mặc dù có thể thiển cận và đang tàn phá sinh quyển với tư cách là một giống loài trên Trái Đất, nhưng chúng ta cũng sáng tạo, đổi mới và hợp tác. Điều này nghĩa là vẫn còn hy vọng cho con người, rằng số phận của chúng ta có thể chưa được "Mẹ Trái Đất" định đoạt.
"Không gì tốt hơn là phơi bày bản thân trước những gì cần bảo vệ", Søgaard Jørgensen nói.
Theo Dân trí/www.sciencealert.com