Phòng khám bệnh nhân đạo - mô hình cần nhân rộng

17/05/2022 - 06:33

 - Ra đời từ chủ trương xã hội hóa công tác khám và điều trị bệnh cho toàn dân, 18 năm hoạt động khám và điều trị bệnh cho nhân dân trong vùng, Phòng khám bệnh nhân đạo TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) góp phần khẳng định: Xã hội hóa công tác khám và điều trị bệnh cho toàn dân là chủ trương đúng của Đảng và nhà nước.

Bệnh nhân được thăm, khám 2 lần/ngày

Phòng khám bệnh nhân đạo TX. Tân Châu trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thị xã. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên, tình nguyện viên gồm 22 người, trong đó 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 2 lương y và 12 trợ dược viên. Ngoài ra, còn có lực lượng tình nguyện viên thực hiện các công việc thiện nguyện, như: Sưu tầm thuốc nam, chặt, bào, phơi thuốc, phục vụ nhà bếp… “Là mô hình xã hội hóa, nên tất cả hoạt động thăm khám, điều trị, ăn ở tại đây đều miễn phí. Kinh phí do các nhà tài trợ, hảo tâm đóng góp” - bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng (Trưởng phòng Khám nhân đạo TX. Tân Châu) chia sẻ.

18 năm qua, phòng khám chuyên điều trị bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu não, viêm thần kinh tọa, viêm đa khớp, lẫn các bệnh thông thường. Đối với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, sau khi được cấp cứu, điều trị ban đầu tại bệnh viện chuyên ngành, trường hợp không có điều kiện duy trì, tiếp tục điều trị bệnh, bà con quay về phòng khám để được chăm sóc, điều trị.

Phương pháp điều trị tại đây là đông - tây y kết hợp. Phòng khám có 80 giường (kể cả nội trú và ngoại trú) với 5 dãy phòng. Bốn dãy phòng đầu tiên được xây dựng từ ngày 3/10/2004 đến 13/4/2006. Dãy phòng số 5 được xây dựng trung tuần tháng 8/2017. Hiện, phòng khám tọa lạc trên diện tích trên 4.000m2, số bệnh nhân lưu lại điều trị bình quân 30 người/ngày. Từ khi thành lập đến nay, phòng khám tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 100.000 lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.

Các hoạt động quản trị, chuyên môn được quản lý, thực hiện bài bản, chuyên sâu. Chính điều này đã tạo được sự tin tưởng của bệnh nhân lẫn thân nhân, sự tin tưởng của các nhà hảo tâm. Vận hành hoạt động, ngoài Hội đồng quản trị, Ban điều hành còn có các bộ phận chuyên môn với phân khoa nhận và phân loại bệnh, y học dân tộc, vật lý trị liệu.

“Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, sau khi được cấp cứu, điều trị ban đầu, bà con đến đây để được kỹ thuật viên châm cứu, day cơ ấn nguyệt, tập động tác trên máy để kích thích cơ quan, bộ phận chức năng, giúp sớm phục hồi. Biết được sự cần thiết đó, đội ngũ y, bác sĩ tại đây nỗ lực hết mình, làm tốt chuyên môn nghiệp vụ để giúp bà con” - bác sĩ Dũng chia sẻ thêm.

Xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, khi nguồn lực nhà nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mô hình Phòng khám bệnh nhân đạo TX. Tân Châu nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của nhân dân. Bình quân mỗi năm, nơi đây huy động từ 1,5-2 tỷ đồng, có điều kiện khám và điều trị bệnh cho người nghèo.

“Tôi bị hẹp ống tủy, 2 chân không cử động được. Nhờ điều trị ở đây, tình trạng sức khỏe của tôi dần được cải thiện. Tôi rất biết ơn các y, bác sĩ giúp đỡ trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời” - Trần Chí Đỉnh (phường Long Châu, TX. Tân Châu) bày tỏ.

“Để Phòng khám duy trì hoạt động trong 18 năm qua, trước hết phải kể đến sự ủng hộ của lãnh đạo thị xã qua các thời kỳ; sự tín nhiệm, tham gia đóng góp của nhà hảo tâm khắp nơi trong cả nước, đặc biệt là những người con của Tân Châu xa quê làm ăn thành đạt, quay về đầu tư, hỗ trợ rất nhiều. Ngoài ra còn có doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại địa phương. Mỗi người đóng góp một chút, để đến nay, phòng khám là nơi nương tựa cho bệnh nhân nghèo không may mắc bệnh nặng” - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TX. Tân Châu Phạm Sơn Điền chia sẻ.

MINH HIỂN