Nhờ công tác truyền thông mạnh mẽ, ý thức về việc hạn chế sử dụng túi ny-lon, đồ nhựa dùng 1 lần đã dần được nâng lên trong cộng đồng. Phong trào chống rác thải nhựa được các ban, ngành, cơ quan, trường học cho đến hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, tiểu thương hưởng ứng. Đặc biệt, tại những nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống đã bắt đầu khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ny-lon và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Phong trào thành công trước hết ở chỗ người dân dần nhận thức tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe của mình nói riêng và môi trường sống của cộng đồng nói chung. Nhiều cửa hàng thực phẩm hữu cơ, siêu thị tại TP. Long Xuyên bắt đầu sử dụng lá chuối, lá lục bình hoặc các loại túi dễ phân hủy để gói rau, củ. Điển hình như gian hàng rau hữu cơ của Nông trại Ếch Ộp tại phường Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên), việc làm này giúp giảm số lượng lớn túi ny-lon phải sử dụng hàng tháng, quan trọng hơn là thay đổi thói quen của người đi chợ. Chị Thúy Oanh (ngụ phường Mỹ Xuyên) cho biết, khoảng 1 năm nay, học theo các bà nội trợ, chị phân loại một số túi ny-lon để tái sử dụng, ngoài ra còn đầu tư túi vải, túi silicon, túi bố, túi giấy… để thân thiện hơn với môi trường. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa thiết thực được các bà nội trợ truyền tai nhắc nhở và lan tỏa hành động đẹp trong nhau khá nhanh.
Đội hình ra quân làm sạch môi trường của đoàn viên thanh niên
Thời gian gần đây, trong các cuộc họp, hội nghị, hưởng ứng bảo vệ môi trường, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thay nước uống đóng chai hoặc ly nhựa sử dụng trong giờ giải lao bằng ly, dĩa trái cây giấy sử dụng 1 lần. Ông Nguyễn Đình Phùng ở huyện Phú Tân chia sẻ: “Các đơn vị hành chính ưu tiên sử dụng ly giấy trong cuộc họp là một tín hiệu khá mừng. Tôi chỉ góp ý làm sao đi kèm với chiếc ly giấy, về sau loại hẳn ống hút nhựa. Chuyện bảo vệ môi trường còn rất nhiều việc phải làm, nhưng có sự thay đổi từ những thói quen nhỏ là điều rất phấn khởi”. Trong môi trường giáo dục, rác thải nhựa được giáo viên, học sinh tái chế thành dụng cụ học tập, đồ chơi rất hữu ích, sinh động. Lực lượng tích cực nhất trong phong trào chống rác thải nhựa và làm sạch môi trường có lẽ là các đoàn viên, thanh niên ở khắp địa phương. Phát huy tinh thần xung kích, các bạn trẻ thường xuyên tổ chức ra quân dọn sạch rác thải ở địa bàn dân cư, các lòng kênh, rạch. Bên cạnh đó, trong các sự kiện như lễ hội, văn nghệ tập trung đông đảo người dân, Đoàn Thanh niên tại chỗ còn thành lập đội hình nhặt rác cuối buổi, trả lại vẻ sạch, đẹp cho nơi tổ chức. Bạn Tôn Long Vịnh (Xã đoàn Lương Phi, Tri Tôn) tham gia dọn rác sau lễ hội đua bò huyện Tri Tôn cho biết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường là của tất cả mọi người. Việc nhặt rác của đoàn viên không chỉ để làm sạch nơi lễ hội, mà còn muốn tác động đến ý thức của mọi người, cũng tương tự như phong trào được đoàn viên hưởng ứng lần lượt ở các địa bàn khác, gắn với điểm du lịch, công viên, hay tại nơi cư trú, với “Ngày chủ nhật xanh”, đợt ra quân cao điểm.
Sản phẩm nhựa và nguyên liệu khó phân hủy được tái chế thành vật dụng hữu ích
Để lan tỏa ý thức trong cộng đồng và chuyển biến thành hành vi tích cực, những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đoàn thể, địa phương thực hiện nhiều mô hình như: phát giỏ nhựa cho hội viên phụ nữ đi chợ kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà; tài trợ thùng rác và chế phẩm vi sinh cho hội nông dân xử lý rác hữu cơ thành phân bón nông nghiệp; các mô hình hành động thân thiện với môi trường được thành lập ở các địa phương dưới nhiều tên gọi khác nhau bắt đầu mang lại hiệu quả thiết thực. “Mưa dầm thấm lâu”, hiện nay tiếp cận một hội viên trong tổ chức đoàn thể nào, họ cũng có thể trở thành tuyên truyền viên, nói rành những nội dung cần biết, như: phải hạn chế sử dụng túi ny-lon, ống hút nhựa, ly nhựa dùng 1 lần và các sản phẩm khó phân hủy nhằm giảm thiểu rác thải nhựa; cần chọn lọc và ưu tiên sử dụng các sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường; đến các điểm du lịch thì “Không để lại gì ngoài những dấu chân và không lấy đi gì ngoài những bức ảnh đẹp”… Chị Trần Huệ Trinh (Thoại Sơn) bày tỏ: “Nếu không có những người khởi đầu, sẽ không bao giờ có phong trào để nhân rộng. Dù là việc làm có ích, nhưng thời gian đầu, không ít người bị cho là làm việc “rảnh rỗi”, “bao đồng” hoặc khác người. Mỗi cá nhân phải có ý thức sống trách nhiệm với môi trường và tương lai thì mới có thể góp phần bảo vệ môi trường sống ngày một tốt hơn”.
MỸ HẠNH