Phụ nữ quê khởi nghiệp từ nghề làm khô

29/01/2021 - 04:59

 - Từ công việc phụ mẹ buôn bán ở chợ với cuộc sống bấp bênh, chị Lê Thị Đẹp (28 tuổi, ngụ ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn, An Giang) đã bắt tay khởi nghiệp với nghề làm khô cá lóc. Vượt qua những khó khăn ban đầu, giờ đây sản phẩm khô cá lóc của chị Đẹp được thị trường đón nhận, thậm chí được ví là “đặc sản” mới của địa phương.

Ngày chúng tôi đến thăm cơ sở làm khô, chị Đẹp đang tất bật giao hơn 10kg khô cá lóc cho khách hàng. Chị Đẹp chia sẻ: “Thời gian đầu tôi là làm thử để bán phụ thêm gia đình, nhưng không ngờ mọi người đặt mua ngày một nhiều. Ngoài bỏ mối ở một số địa phương, giờ đây tôi còn có khách ở TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang đặt hàng… Khô mình phơi vừa đủ nắng nên nhìn rất bắt mắt, giữ được vị thơm đặc trưng, không khô héo nên được nhiều  người ưa chuộng. Tất nhiên, thời gian đầu khi bắt tay vào làm khô, tôi phải học hỏi kinh nghiệm và tự mình tìm hiểu thêm để làm ra sản phẩm ngon, sạch đến tay người tiêu dùng".

Khô cá lóc là "đặc sản" rất phổ biến ở miền Tây - vùng đất với nhiều sông nước, kênh, rạch chằng chịt. Cá lóc tươi ăn không hết người dân nghĩ ra cách làm khô, làm mắm để ăn dần, vậy mà không biết từ khi nào món khô ấy lại trở thành “đặc sản”, được nhiều người ưa chuộng. Xác định khô là mặt hàng dễ bị cạnh tranh, vì vậy theo chị Đẹp, sản phẩm không chỉ có công thức tẩm ướp tốt, mà nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo để tạo ra sản phẩm chất lượng cho thị trường.

Sản phẩm khô của chị Đẹp được thị trường ưa chuộng

Trong câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ 28 tuổi ấy, chúng tôi thấy được nghị lực và tâm huyết của chị rất lớn. Vừa trao đổi với chúng tôi, chị Đẹp vừa canh giờ trở khô. Bởi chị cho biết, khô muốn ngon thì công đoạn phơi, trở rất quan trọng. Thường phơi 3-4 nắng là đạt, còn phơi quá nắng khô sẽ co héo lại, trông không đẹp lại mất đi vị khô. Dù vậy, chị Đẹp cũng nhấn mạnh, làm khô thì công đoạn nào cũng quan trọng. Từ chọn mua nguyên liệu, chế biến sạch sẽ, tẩm ướp gia vị rồi đến phơi và đóng gói, tất cả đều phải được quan tâm, chăm chút thì sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.

Nói là “bí quyết” nhưng trong con khô có những nguyên liệu gì, chị Đẹp chia sẻ không hề e ngại. Cũng vẫn là nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu… nhưng khi tẩm ướp và phơi xong, con khô của chị Đẹp làm mang màu sắc rất trong. Chỉ cần nhìn miếng ớt cay nồng nằm vẹn nguyên trên con khô đã khiến người ta không cầm lòng được. Ngoài chế biến khô cá lóc, chị Đẹp còn làm cả khô cá trạch, khô cá sặc rằn. Hầu như loại khô nào cũng được thị trường đón nhận. Theo đó, giá khô cá lóc giá 170.000 đồng/kg, khô cá trạch 400.000 đồng/kg, khô cá sặc rằn 250.000 đồng/kg.

Ngày thường, chị Đẹp cung cấp cho thị trường khoảng 40kg, nhưng thời điểm cận Tết, có thể tăng gần 100kg. Dẫu chỉ mới bắt tay khởi nghiệp với nghề làm khô khoảng 3 năm nhưng từ số vốn ít ỏi ban đầu, chị Đẹp đã đầu tư được 1 kho đông lạnh và máy đánh vảy với kinh phí khoảng 150 triệu đồng. Đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của người phụ nữ vùng quê.

Việc khởi nghiệp của chị Đẹp còn góp phần tạo việc làm ổn định cho một số lao động thời vụ ở nông thôn, giúp họ có được thu nhập ổn định. Ngày thường chị thuê thêm 2 lao động phụ khâu chế biến nguyên liệu với tiền công 250.000 đồng/ngày. Thời điểm Tết có thể tăng thêm lao động vì lượng khách hàng đặt khô nhiều. Do đã được tham gia các lớp tập huấn, trang bị những kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, nên quy trình chế biến khô của chị Đẹp rất cẩn thận, đảm bảo sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Dù sản phẩm đã được thị trường đón nhận nồng nhiệt nhưng chị Đẹp không hề tăng giá sản phẩm, nhất là vào dịp Tết. Bởi theo chị, giá như vậy là vừa túi tiền với người tiêu dùng. Giữa muôn vàn lựa chọn như hiện nay, sản phẩm khô không chỉ đảm bảo chất lượng, mà còn phải đảm bảo giá cả hợp lý.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích