(Nguồn: NBC News)
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đang thử nghiệm một phương pháp xét nghiệm máu không xâm lấn, cho phép phát hiện 5 loại ung thư từ vài năm trước khi bệnh có thể được phát hiện ra bằng các phương pháp chẩn đoán thông thường.
Bệnh ung thư càng sớm được điều trị, cơ hội phục hồi càng tốt. Đây là lý do tại sao trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã cố gắng phát triển các xét nghiệm sàng lọc từ rất sớm thông qua lấy mẫu máu.
Một nghiên cứu mới được công bố trong tuần qua trên tạp chí Nature cho thấy kết quả đặc biệt đầy hứa hẹn của loại xét nghiệm máu mang tên "PanSeer."
Thử nghiệm này được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ, có thể phát hiện ung thư "một cách không xâm lấn sớm đến 4 năm so với các phương pháp chẩn đoán hiện tại."
Nhờ vậy đã xác định sớm 5 loại ung thư, bao gồm: dạ dày, thực quản, đại tràng, phổi và gan.
Theo ông Kun Zhang, chuyên gia sinh học tại Đại học California và là đồng tác giả nghiên cứu, nhiều năm trước khi bệnh nhân phải nhập viện, đã có dấu hiệu trong máu chỉ ra rằng họ bị ung thư.
Xét nghiệm máu, còn được gọi là sinh thiết lỏng, là một phương pháp rất hứa hẹn và đang là chủ đề của nhiều nghiên cứu.
Ngoài việc cho phép phát hiện sớm - đặc biệt là ung thư phổi, vốn thường được chẩn đoán muộn, xét nghiệm máu gây ra ít đau đớn hoặc khó chịu hơn so với sinh thiết mô.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng xét nghiệm mới của họ dựa trên một kỹ thuật gọi là "phân tích methyl hóa ADN", nhằm tìm kiếm ADN đặc trưng của các bệnh ung thư khác nhau.
Để phát triển kỹ thuật này, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận với nguồn tài nguyên hiếm gồm mẫu huyết tương lấy từ hơn 600 người ở Trung Quốc trong nhiều năm, từ 2007 đến 2014, trong khuôn khổ một nghiên cứu lớn do Đại học Phúc Đán thực hiện.
Trong các cuộc thử nghiệm, PanSeer đã thành công trong việc phát hiện ung thư ở 91% mẫu máu của những người không có triệu chứng, cũng như những người không được chẩn đoán mắc bệnh ung thư từ 1 đến 4 năm sau đó.
Xét nghiệm cũng sử dụng các mẫu máu từ các bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Trong những trường hợp này, xét nghiệm đạt độ chính xác 88%. Cuối cùng, xét nghiệm cũng có thể xác định mẫu máu nào không chứa bất kỳ dấu vết của bệnh ung thư.
Ông Kun Zhang cho biết mục tiêu cuối cùng sẽ là thực hiện các xét nghiệm máu thường xuyên trong quá trình kiểm tra sức khỏe hàng năm. Tuy nhiên, trước mắt ưu tiên kiểm tra những người có nguy cơ cao, dựa trên lịch sử gia đình, tuổi tác hoặc các yếu tố rủi ro khác.
Hiện tại, đây chỉ là những kết quả sơ bộ, được thực hiện trên các mẫu máu tương đối hạn hẹp. Các tác giả cho rằng cần thực hiện những nghiên cứu quy mô lớn hơn trong thời gian dài, để xác nhận khả năng phát hiện sớm bệnh ung thư thông qua xét nghiệm máu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng gần 10 triệu người.
Năm 2018, có khoảng 1,76 triệu ca tử vong vì ung thư phổi, 862.000 ca vì ung thư đại tràng, 783.000 ca vì ung thư dạ dày, 782.000 ca vì ung thư gan và 508.000 ca vì ung thư thực quản.
Theo VŨ MAI LINH HƯƠNG (Vietnam+)