Bể chứa khí tự nhiên lỏng ở cảng Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Getty Images
Theo đài RT (Nga), thông tin trên do đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS đưa tin hôm 1/6. Nguồn tin cho biết sau khi bị Nga ngắt nguồn cung, một số công ty năng lượng Hà Lan vẫn nhập khẩu khí đốt từ quốc gia này. Theo đó, các công ty đang mua năng lượng của Nga bằng cả phương thức trực tiếp và gián tiếp. Moskva thường cung cấp khí đốt cho Amsterdam thông qua các công ty Essent và Eneco, cũng như Uniper và RWE của Đức.
Dựa trên dữ liệu của các nhà điều hành lưới điện châu Âu cùng những công ty khác, phát ngôn viên Bộ Kinh tế và Khí hậu Hà Lan ước tính nước này nhập khẩu tổng cộng khoảng 6 tỷ m3 khí đốt của Nga mỗi năm. Người phát ngôn cho biết không thể tiết lộ chính xác lượng khí đốt mua từ Nga vào thời điểm này.
Hôm 1/6, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ đã ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho GasTerra sau khi công ty này không tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.
Vào cuối tháng 4, Gazprom cũng đã đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan. Đến tháng 5, Phần Lan đã bị cắt nguồn cung. Đan Mạch cũng phải đối mặt với tình trạng đóng băng nguồn cung sau khi từ chối nhu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Nga.
Sau khi Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Moskva đã đề nghị các khách hàng “không thân thiện”, trong đó có nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
GasTerra thuộc sở hữu chung của hai tập đoàn năng lượng Shell (Anh) và Esso (Mỹ), cùng công ty khí đốt EBN (Hà Lan) và nhà nước Hà Lan (10% cổ phần). Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng quyết định của Gazprom không ảnh hưởng tới việc cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình ở nước này.
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)