Hành trình 8 năm đàm phán
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 12 nước thành viên gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam được khởi động từ năm 2010, chính thức ký ngày 4-2-2016 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
Đại diện 11 quốc gia ký kết CPTPP tại Chile hồi tháng 3. Ảnh: Bộ Công Thương
TPP khi ấy được các nước chào đón như "bản lề cho một trật tự thương mại mới", vạch ra một bộ tiêu chuẩn mới cho các hiệp định thương mại tự do, dám đi vào những vấn đề gai góc nhất mà các hiệp định từ trước tới nay chưa từng đề cập.
Trước những vui mừng, hân hoan của các nước đón chờ TPP thì ngày 24-1-2017 Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ký sắc lệnh đưa Mỹ ra khỏi TPP. Vượt qua cú sốc, 11 thành viên còn lại của TPP đã đàm phán để cứu vãn thỏa thuận. Tháng 11-2017, 11 nước thành viên TPP còn lại đã ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP.
Sau quá trình đàm phán, tháng 3-2018 tại Chile, văn kiện nội dung CPTPP được 11 nước ký kết thông qua đi kèm với quy định hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ khi được 6 quốc gia thành viên phê chuẩn.
Ngày 31-10 vừa qua, Australia đã trở thành quốc gia thứ 6 tham gia sân chơi lớn cùng với New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Với động thái này, CPTPP sẽ có hiệu lực vào ngày 30-12-2018.
CPTPP tạo ra một trong những thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới, trải dài cả 3 châu lục Á, Mỹ và Đại Dương với thị trường lên tới gần 500 triệu dân và GDP vào khoảng hơn 13.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu.
Đón nhận thời cơ, đương đầu thách thức
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, có thể khẳng định rằng, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại.
Da giày là một trong những ngành sẽ hưởng lợi từ CPTPP. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch quản lý nhà nước về phát triển thị trường.
Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết. Ví dụ, sở hữu trí tuệ hay mua sắm công, trong nội dung của CPTPP Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác. Với lĩnh vực phi truyền thống như điều kiện lao động và môi trường của người lao động, hay nội dung liên quan tới công đoàn cũng đòi hỏi cam kết và cải cách mạnh mẽ. Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa.
"Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định có thể kể đến như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Một số ngành nghề khác còn phụ thuộc nhiều vào sự chuẩn bị. Tôi muốn nhấn mạnh, sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của doanh nghiệp mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Về mặt thách thức khi tham gia CPTPP, Bộ trưởng cho biết từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương dẫn chứng: Ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… đã có tăng trưởng đột biến nhưng ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành rất thấp so với các quốc gia khác.
"Đối với Hiệp định CPTPP, trước hết, phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của đất nước, của nền kinh tế để chuẩn bị cho việc thực thi cam kết hội nhập. Yếu tố then chốt và quan trọng là rà soát khung khổ pháp lý, “luật hóa” cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực", ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Nếu CPTPP được Quốc hội thông qua, Hiệp định sẽ tạo động lực cho phát triển bền vững và thực hiện được mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế 5 năm (2016 - 2021).
Theo HOÀNG DƯƠNG (Báo Tin tức)