Quy định mới về khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

09/12/2023 - 18:45

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 105/2023/TT-BQP ngày 06/12/2023, quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trong đó quy định khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thanh niên tham gia khám sơ tuyển NVQS. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Tam Đường

Thông tư này quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, bao gồm: Tiêu chuẩn và phân loại khám sức khỏe; Khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; Quản lý và kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị; Khám sức khỏe tuyển sinh quân sự; Khám sức khỏe tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ; tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Tiêu chuẩn khám tuyển, giám định sức khỏe phi công quân sự, lực lượng đổ bộ đường không, lực lượng dù, thủy thủ tàu ngầm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Tiêu chuẩn khám sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo yêu cầu nhiệm vụ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo Thông tư số 37/2021/TT-BQP ngày 15/4/2021 của Bộ Quốc phòng quy định phân loại, khám sức khỏe, phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe đối với quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng.

Cụ thể, về tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, tiêu chuẩn chung là đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3. Không gọi công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy. Tiêu chuẩn riêng là một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Trạm y tế cấp xã thực hiện sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế cấp huyện hoặc Bệnh viện đa khoa cấp huyện; giám sát của Ban Chỉ huy quân cấp huyện.

Nội dung sơ tuyển sức khỏe gồm: Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình. Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thị lực, di tật, dị dạng; những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện.

Nội dung khám sức khỏe gồm: Khám về thị lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai, mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ).

Khám cận lâm sàng, công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HIV; nước tiểu toàn bộ (10 thông số; siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

Về quy trình khám sức khỏe sẽ tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung nêu trên theo 2 vòng: Khám thể lực, lâm sàng và cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy.

Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định thì ủy viên Hội đồng trực tiếp tham khảo báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám.

Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X quang tim phổi thẳng.

Ngoài ra, trong Thông tư cũng đề cập đến tiêu chuẩn phân loại sức khỏe.

Tiêu chuẩn phân loại theo thể lực thực hiện theo quy định, tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư. Tiêu chuẩn phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe thực hiện theo quy định tại Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư.

Tiêu chuẩn phân loại theo thể lực.

Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành 1/1/2024.

Theo MINH VŨ (Pháp luật Việt Nam)