Quy định ngưỡng nồng độ cồn hay cấm tuyệt đối ?

06/03/2024 - 05:28

 - Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ dự kiến được Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ 8, tháng 5/2024. Để có góc nhìn đa chiều, xin giới thiệu một số ý kiến, trong đó quy định cấm tuyệt đối người lái xe sử dụng rượu, bia hay đưa ra một ngưỡng nồng độ cồn nhất định.

Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 62 điều, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nhiều nội dung, quy định mới. Trước hết, ban hành luật là cần thiết, tiếp cận hơn thực tế, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hạn chế thiệt hại sinh mạng và tài sản đối với người tham gia giao thông.

Cần quy định ngưỡng nồng độ cồn

Theo ThS Nguyễn Hồng Hoai, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tỉnh: "Pháp luật nên quy định cấm lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức an toàn nhất định, không nên cấm tuyệt đối có nồng độ cồn tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, có người chiều uống một ít rượu, bia, về nghỉ ngơi và sáng mai đi làm, điều khiển phương tiện bình thường. Nhưng khi bị lực lượng chức năng kiểm tra vẫn “dính” nồng độ còn sót lại của uống rượu, bia hôm trước và bị xử phạt.

Thêm vào đó, một số thức ăn, đồ uống, gia vị (có chứa cồn), hoặc ăn cơm rượu, uống ít rượu thuốc trị bệnh... người sử dụng vẫn bị “dính” nồng độ cồn khi điều khiển xe. Cạnh đó, khi giỗ chạp, Lễ, tết, cưới hỏi... uống một hai cốc rượu lễ nghĩa cũng vướng nồng độ cồn.

Từ đó, quy định nồng độ cồn trong hơi thở là “zero” chưa thực sự phù hợp với phong tục, tập quán của một bộ phận người Việt Nam. Hiện, đã có một số quốc gia quy định nồng độ cồn trong hơi thở là “zero” đối với người điều khiển phương tiện, nhưng họ đã phát triển, giàu có, đi ôtô, có tài xế riêng. Nước ta có mức thu nhập trung bình, người dân đi lại chủ yếu bằng xe máy, quy định nồng độ cồn “zero” ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời sống, lưu thông bình thường của người dân".

 Quốc hội thảo luận Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

 Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bạch Xuân (ấp An Thuận, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cho biết, pháp luật nghiêm cấm người uống rượu, bia quá đà điều khiển xe là chính xác, được người dân ủng hộ cao. Nhưng quy định như dự thảo luật là quá nghiêm khắc, không nên “bắt lầm hơn bỏ sót”. Từ đó, cần quy định một ngưỡng nồng độ cồn để tránh “oan ức” cho người không sử dụng rượu, bia hoặc người đã tỉnh rượu nhưng hơi thở vẫn còn chút cồn. Vì vậy, đề xuất trong hơi thở có nồng độ cồn ở một giới hạn nhất định, theo tỷ lệ cho phép của Bộ Y tế. Vừa qua, nhiều vụ tai nạn giao thông, nhất là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cũng đâu phải do sử dụng rượu, bia?

Có nồng độ cồn, không tham gia giao thông

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Quy định cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu áp dụng từ lâu đối với ôtô và gần đây áp dụng cho tất cả phương tiện tham gia giao thông. Quy định này đang phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể hình thành thói quen “uống rượu, bia thì không điều khiển xe” dù chưa tuyệt đối. Nhưng qua đó cho thấy, số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương giảm rõ rệt.

Theo thông tin của Bộ Công an, trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% về số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so cùng kỳ năm 2022.

“Dù tai nạn giao thông xảy ra không đổ hết cho người điều khiển xe do sử dụng rượu, bia, nhưng “nhóm uống rượu, bia vi phạm” tỷ lệ còn khá cao, thiệt hại mạng người và tài sản rất lớn. Thông tin của Bộ Công an, trong 5 năm (2018 - 2023), tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 381.269 lượt người (chiếm 13,9%).

Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%). Pháp luật ngoài quy định có nồng độ cồn không tham gia giao thông, nên cấm tuyệt đối “đang điều khiển phương tiện lại sử dụng điện thoại”, vì hành vi nguy hiểm này đã nhiều lần gây ra tai nạn giao thông” - ông Nguyễn Văn Nhiên đề xuất.

Trả lời báo chí, theo PGS.TS Phạm Việt Cường (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng), có những ý kiến trái chiều với quy định mới đưa ra là điều bình thường. Quy định cấm sử dụng rượu, bia tham gia giao thông nhìn thấy rất rõ trong các báo cáo số liệu về tử vong do tai nạn giao thông có yếu tố liên quan đến sử dụng cồn, rượu, bia. Số lượng tử vong do nguyên nhân này thực sự đã giảm đi rất nhiều trong năm 2023.

Ở Việt Nam không cấm uống rượu, bia. Chỉ cấm “đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông”. Quy định nồng độ cồn bằng 0 là quy định chặt chẽ. Chúng ta kiểm soát chặt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông chỉ được 2 - 3 năm và đã thấy hiệu quả. Do vậy, nếu bây giờ lại nới lỏng ra, thay đổi quy định, thì những thành công vừa qua sẽ khó duy trì. Không nên so sánh tại sao ở Nhật Bản hay các quốc gia khác có quy định cho phép có nồng độ cồn ở mức nhất định… Cần hiểu rằng, họ đã thực hiện quy định này từ nhiều năm, đã hình thành được nếp sống rất tốt cho cộng đồng, ý thức tuân thủ không uống rượu, bia trong cộng đồng của họ rất cao.

N.R