Lực lượng biên phòng đến trao trả 5 thanh niên làng Kloong (Gia Lai) cho gia đình sau khi họ bị lừa bán qua Campuchia. Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN
Cảnh giác trước thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
Đã nhiều năm sau ngày may mắn được lực lượng chức năng giải cứu, kịp thời thoát khỏi tay bọn buôn người, song nhắc lại chuyện bị lừa bán sang Trung Quốc thì Giàng Thị X, ở bản Co Lót, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vẫn chưa hết bàng hoàng.
Giàng Thị X lấy chồng từ khá sớm. Chịu khó làm ăn nhưng cuộc sống của vợ chồng Giàng Thị X vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi 2 đứa con lần lượt ra đời. Đúng lúc này, một người đàn ông tự xưng tên Páo thường xuyên liên hệ, rủ rê X sang Trung Quốc, hứa hẹn giúp cô làm ăn, kiếm tiền “việc nhẹ, lương cao”. Tháng 5/2014, X đồng ý theo một đối tượng là bạn của Páo để vượt biên sang Trung Quốc thì bị lực lượng Bộ đội Biên phòng bắt giữ. Lúc này, X mới biết là mình bị lừa bán sang Trung Quốc.
Giàng Thị X chỉ là một trong số các nạn nhân bị các đối tượng tội phạm mua, bán người dụ dỗ để lừa bán, nhưng may mắn được lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Trên thực tế, nhiều nạn nhận đã bị lừa bán sang các nước láng giềng mà không hề hay biết, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn.
Thống kê từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Trong sáu tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, khám phá 33 vụ, với 75 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội phạm có liên quan đến mua bán người; đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 17 vụ; 66 nạn nhân từ các vụ mua bán đã được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ...
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, tội phạm mua bán người đã hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an cho biết: Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài nhiều mục đích khác nhau, như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho-nhận con nuôi trái pháp luật...
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, thời gian qua, Việt Nam đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người. Trong đó, tập trung ngăn chặn mua bán người trong lĩnh vực việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép.
Đặc biệt, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc, Công ước ASEAN, Nghị định thư và các Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước liên quan về phòng, chống mua bán người. Việt Nam đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000.
Việt Nam cũng quan tâm, xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo các khuyến nghị của phía nước ngoài liên quan đến phòng, chống mua bán người. Nhiều nội dung khuyến nghị đã đưa được vào Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đối với hợp tác quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế về hợp tác phòng, chống mua bán người.
Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường hợp tác với phía nước ngoài trong việc xác minh, xác định bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Bộ Ngoại giao đã kịp thời chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phát hiện các xu hướng mua bán người và các vấn đề liên quan đến công dân để có biện pháp xử lý nhanh chóng, nhất là trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân, qua đó hỗ trợ công tác truy tố, xét xử ở trong nước.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phối hợp triển khai việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Việc ban hành Quy chế đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt. Qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
“Lực lượng Công an phối hợp với Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hàng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong đấu tranh, phòng chống mua bán người, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay: Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, Bộ Công an sẽ tiếp tục phát huy vai trò Thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người.
Bộ Công an cũng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thời gian tới đây đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chủ đề phòng, chống mua bán người. Triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.
Đồng thời, lực lượng Công an cũng tổ chức tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người, lựa chọn một số vụ án trọng điểm hoặc vụ án được dư luận xã hội quan tâm đưa ra xét xử công khai để tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung…
Theo HẠNH QUỲNH (TTXVN)