Nghệ sỹ Trà My trong vai bà Thanh Đề sau khi bị đày xuống địa ngục. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
Nhân dịp mùa Vu Lan báo hiếu năm 2023 Dương lịch - năm 2567 Phật lịch, nghệ sỹ Trà My cùng con trai là đạo diễn Quản Trọng Phúc cho ra mắt phim “Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân.”
Trong thời gian sắp tới, bộ phim sẽ được chiếu miễn phí trên sóng truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tích truyện tôn giả Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân là nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu hàng năm. Kịch bản phim do nghệ sỹ Trà Mỹ (đồng thời là nhà sản xuất) ấp ủ trong 5 tháng dựa trên cảm hứng từ nhiều năm đi diễn tích truyện này trên sân khấu kịch.
“Với tôi, không chỉ Vu Lan mới là mùa báo hiếu cha mẹ, mà ngày nào cũng vậy. Trong suốt nhiều năm qua, tôi đã cùng gia đình và các đồng nghiệp cùng vào chùa trong mùa Vu Lan để biểu diễn ca hát, diễn kịch. Tôi cảm thấy vở Mục Kiền Liên cứu mẹ thực sự gây hiệu ứng rất lớn về luật nhân quả, về đạo hiếu nên đã quyết định chuyển thể kịch thành phim,” Nhà sản xuất Trà My cho biết.
Với độ dài 40 phút, phim tái hiện tích truyện theo nhiều dụng ý nghệ thuật. Diễn viên là các gương mặt quen thuộc phía Bắc như Nghệ sỹ Nhân dân Tiến Đạt (vai Đức Phật), Đại tá-Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Hải, Nghệ sỹ Ưu tú Chí Trung, nghệ sỹ Trà My…
Trong phim, nam diễn viên Việt Bắc (từng nổi tiếng với vai Xuân Tóc đỏ) đảm nhiệm vai chính - nguời con hiếu thảo Mục Kiền Liên. Anh đã cạo toàn bộ tóc để thuận tiện cho việc vào vai.
Nam diễn viên Việt Bắc trong tạo hình Tôn giả Mục Kiền Liên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Làm về tích truyện trong đạo Phật, phim có sự tư vấn chuyên môn của Thượng tọa Thích Đức Nguyên - Trưởng ban Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình, Thượng tọa Thích Trường Xuân - Trụ trì chùa Liên Trì (Quốc Oai, Hà Nội) và Đại đức Thích Giác Giáo - Phó Chánh Văn phòng Ban thường trực trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong phim, Thượng tọa Thích Trường Xuân và Đại đức Thích Giác Giáo cũng góp mặt trong hai vai phụ.
Cảm phục tâm huyết của nhà sản xuất và đạo diễn cũng như nội dung bộ phim là một tích truyện quan trọng trong Phật giáo, Thượng tọa Thích Đức Nguyên nhận tham gia hỗ trợ dự án.
Đạo diễn Quản Trọng Phúc (bìa trái) cùng với ba cố vấn là Đại đức Thích Giác Giáo, Thượng tọa Thích Trường Xuân, Thượng tọa Thích Đức Nguyên và dàn diễn viên, nhà sản xuất phim. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Thượng tọa Thích Đức Nguyên cho hay Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam hơn 2000 năm; văn hóa Phật giáo là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là một thiết chế không thể rời. Vì vậy, các tích truyện về Phật giáo nên được nhiều loại hình nghệ thuật, các nghệ sỹ quan tâm và sáng tạo thêm nhiều tác phẩm.
“Bên cạnh bộ phim về Mục Kiền Liên, những câu chuyện khác về Phật pháp, các vị tổ sư, các quốc sư có công với nước… cũng nên được khai thác. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những hướng phát triển văn hóa, nghiên cứu sao cho văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc lên những nấc thang cao hơn nữa,” Thượng tọa Thích Đức Nguyên chia sẻ.
Tích truyện Mục Kiền Liên xuất phát từ Phật giáo Ấn Độ, lấy bối cảnh từ 568-484 Trước Công nguyên. Mục Kiền Liên vốn là một tỳ kheo có thật, sống trong thời Đức Phật Thích Ca tại thế.
Theo các ghi chép của Phật giáo, mẹ của Mục Kiền Liên - bà Thanh Đề khi còn sống đã phạm nhiều tội lỗi, coi thường Tam bảo nên bị đày xuống địa ngục. Thương mẹ, Mục Kiền Liên tu tập và đạt được 6 phép thần thông, xuống địa ngục cứu mẹ.
Bà Thanh Đề do nghiệp chướng lớn nên khó được tha tội. Mục Kiền Liên nghe lời Phật Tổ, làm lễ cùng “giải đảo huyền” vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Từ đó, mẹ của người được thoát nạn. Tục cúng lễ mỗi dịp Rằm tháng Bảy cũng trở thành một phong tục của người Việt Nam để tri ân cha mẹ vì công sinh thành, dưỡng dục.
Theo Vietnamplus