Phòng chiếu tại các thị trường lớn mở cửa, khán giả cũng sẵn sàng đón loạt phim mới. (Ảnh minh họa: Minh Anh-Vietnam+)
Dịch COVID-19 khiến nhiều phim lớn, nhỏ phải lùi lịch liên tục, còn khán giả thì mong chờ ngày được ra rạp. Bên cạnh việc các phim nội-ngoại ấn định ngày ra mắt mới vào tháng Ba, tháng Tư, thông tin Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở lại nhiều dịch vụ không thiết yếu, bao gồm rạp chiếu phim kể từ ngày 1-3 đang gieo hy vọng về sự khôi phục của thị trường điện ảnh Việt.
“Bom tấn” Việt Nam, nước ngoài hẹn lịch trở lại
Nếu các địa phương khống chế dịch bệnh tốt, phòng chiếu có thể trở lại hoạt động lâu dài thì tháng Ba, tháng Tư sẽ là dịp ra mắt của loạt dự án phim Việt đã công bố và đóng máy. Sau đó, để tiếp tục ủng hộ điện ảnh nước nhà, khán giả có thể sẽ phải chờ đến cuối tháng 10 với phim kinh dị “Chuyện ma gần nhà.”
Cuối tuần này, ngày 26-2 sẽ chỉ có một phim Việt là “Kiều @” và phim kinh dị Hàn Quốc “Lời xưng tội số 8” cùng ra mắt. Các phim từng dự kiến công chiếu cùng ngày nhưng đã quyết định lùi lịch gồm “Song song” của Nhã Phương, “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền và phim Hàn Quốc “Minari” (tựa Việt: “Khát vọng đổi đời”).
'Promising Young Woman,' 'Minari,' 'Raya và rồng thần cuối cùng' là ba trong số nhiều tựa phim nước ngoài đáng chú ý của năm. (Ảnh: Nhà phát hành)
Trong số kể trên, chỉ “Minari” - một ứng cử viên nặng ký của Oscar năm nay dự kiến trở lại ngày 5-3, cùng lúc ra mắt dự kiến của phim Disney đầu tiên lấy cảm hứng từ Đông Nam Á - “Raya và rồng thần cuối cùng” và phim kinh dị Việt Nam “Người lắng nghe.”
Đó chưa phải là dấu hiệu khả quan nhất bởi hai “phim Tết” “Gái già lắm chiêu V” và “Bố già” cũng đồng loạt hẹn tái xuất ngày 12-3. Nếu không có gì thay đổi, đây cũng là thời điểm ra mắt của “Promising Young Woman” (tạm dịch "Cô gái trẻ hứa hẹn”) với đề tài nữ quyền và sự trả thù của phụ nữ.
Đúng nửa tháng sau các rạp sẽ không có phim Việt mới, song lại có màn đối đầu “quy mô lớn” theo đúng nghĩa đen giữa hai quái thú Godzilla và Kong trong tác phẩm cùng tên. Phim sẽ ra mắt khán giả Việt vào ngày 26-3, cùng ngày với bộ đôi hoạt hình hấp dẫn: “Nhóc trùm” và “Ối trời ơi: Chuyến phiêu lưu đầy ‘thú’ vị.”
'Rừng thế mạng,' 'Thiên thần hộ mệnh,' 'Bố già' và 'Gái già lắm chiêu V' ra mắt tháng Ba, tháng Tư. (Ảnh: Nhà phát hành)
Phim “Thiên thần hộ mệnh” của đạo diễn Victor Vũ cũng phải lùi ngày công chiếu từ 19-3 sang 9-4. Tháng Tư cũng là thời điểm ra mắt của “Fast and Furious 9” và bốn phim Việt “Bẫy ngọt ngào” (16-4), “Rừng thế mạng” (tên cũ “Tà Năng Phan Dũng,” 21-4), “1990," “Bóng đè” (cùng ra mắt 30-4).
Hiện nay, chỉ còn hai phim Việt “Trạng Tý phiêu lưu ký," “Lật mặt 5: 48H” là các dự án đã công bố và đóng máy, chắc chắn sẽ ra rạp nhưng chưa thông báo lịch chiếu mới.
Hai tuần Tết khép lại với gần 50 tỷ đồng
Do dịch COVID-19 trở lại, con số 200-300 tỷ đồng doanh thu hai tuần phim Tết hàng năm (từ Mùng 1 đến Rằm tháng Giêng) đã trở thành “ước mơ xa vời.”
Theo đơn vị thống kê Box Office Vietnam, doanh thu hai tuần này năm 2021 là khoảng 50,2 tỷ đồng, giảm gần 82,4% so với cùng kỳ năm 2020 (khoảng 285,1 tỷ đồng).
Doanh thu Tết 2021 chủ yếu dựa vào loạt phim nước ngoài, phim chiếu từ trước Tết. (Ảnh: Nhà phát hành)
Trong số đó, các phim mới như “Thần bịp Jack chột” (Hàn Quốc, ra mắt 12-2) thu về nhiều nhất với hơn 13 tỷ đồng. Dù khán giả và nhà rạp kỳ vọng nhiều vào “Tom&Jerry: Quậy tung New York” nhưng hiện phim chỉ thu 7,8 tỷ đồng sau một tuần ra mắt, đơn vị Box Office Vietnam dự tính con số đã có thể gấp đôi nếu thị trường Thành phố Hồ Chí Minh không đóng cửa.
Trang này cũng nhận định dù ra mắt từ trước Tết, thậm chí cuối năm ngoái nhưng “Chị Mười Ba 2: Ba ngày sinh tử” và “Lừa đểu gặp lừa đảo” lại trụ rạp tốt. Doanh thu trong nhiều ngày của hai phim chỉ đứng sau bộ đôi Tom-Jerry và “Thần bịp Jack chột.”
Trước đó, từ ngày 9-2, các cụm rạp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phải ngậm ngùi đóng cửa để chống dịch. Đây vốn là thị trường lớn nhất của điện ảnh cả nước (chiếm 42%), ước tính lớn gấp đôi Hà Nội.
Khán giả chờ lịch của 'Trạng Tý' và 'Lật mặt 5.' (Ảnh: Nhà phát hành)
Điều này đã dẫn đến “hiệu ứng domino” - đồng loạt lùi ngày chiếu của "bộ tứ Tết," vốn dự định ra mắt Mùng 1 Tết (“Bố già,” “Gái già lắm chiêu V,” “Trạng Tý" và “Lật mặt 5”). Thị trường chỉ còn các phim mới nước ngoài và phim ra mắt trước Tết. Một số rạp chiếu đã phải “huy động” trở lại nhiều phim ra mắt từ đầu năm 2019, 2020 để cải thiện tình hình.
Sắp tới đây, kể từ ngày 1-3, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cho mở lại một số dịch vụ không thiết yếu, trong đó có rạp chiếu phim. Khi nhiều phim lớn cả trong và ngoài nước đã ấn định ngày chiếu mới, khán giả và các nhà phát hành có quyền hy vọng vào một thời điểm khởi sắc hơn, thậm chí là sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường phim chiếu rạp.
Theo MINH ANH (Vietnam+)