Không chỉ có khổ qua, cà tím, bắp, ớt, đậu đũa, dưa leo… mà nơi đây còn nổi bật với những vườn xoài đã ra trái và những hàng ổi lê Đài Loan đang trĩu quả. Khánh An vào mùa canh tác rộn ràng, thể hiện sức sống mãnh liệt của vùng quê ven sông.
Anh Lê Văn Thạch là một trong những nông dân tiêu biểu, với hơn 13 công đất chuyên trồng xen canh các loại rau màu và cây ăn trái. Anh cho biết, trồng rẫy đòi hỏi phải đầu tư lớn, nhất là trong bối cảnh giá phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu tăng cao. “Mỗi công trồng bắp trắng mà không lời, thì cũng mất cả tháng công sức. Nếu chi phí đầu tư trên 7 triệu đồng, mà bán ra chỉ còn khoảng 5 triệu đồng thì lỗ nặng” - anh Thạch nói. Trồng bắp lai cũng không khá hơn, khi giá thu mua duy trì mức thấp trong nhiều năm, còn chi phí sản xuất không ngừng gia tăng. Không muốn phụ thuộc vào trồng cây ngắn ngày, anh Thạch chuyển sang trồng ổi lê Đài Loan. Anh nhận xét ổi là cây lâu năm, không cần trồng đi, trồng lại mỗi vụ, chi phí chăm sóc thấp, năng suất ổn định hơn. Tuy nhiên, việc thiếu đầu ra và không có đơn vị bao tiêu, khiến anh vẫn còn e dè trong việc mở rộng diện tích. Nếu có doanh nghiệp thu mua với mức giá ổn định khoảng 7.000 đồng/kg, anh sẵn sàng đầu tư thêm để phát triển mô hình này.

Nông dân vui vẻ bơm nước giúp tưới tiêu cho rẫy và vườn cây ăn trái mùa nắng
Giống như anh Thạch, chị Bùi Thị Giòn, một nông dân lâu năm chuyên trồng khổ qua trên đất bãi bồi đang cùng 4 người phụ nữ khác nghỉ tay sau khi giăng dây cho giàn khổ qua mới lên. Dưới cái nắng chang chang, họ vừa trò chuyện, vừa tranh thủ lau mồ hôi. “Làm rẫy quanh năm, chỉ khi nước lũ về mới nghỉ vài tháng. Còn lại là bám đất, bám giàn” - chị Giòn cho biết. Với kinh nghiệm nhiều năm, chị đã quen với việc phân bổ nước tưới sao cho hợp lý để không làm hư rễ cây. “Tôi tưới vài ngày một lần, tùy thời tiết. Tới mùa, bạn hàng đến tận vườn thu mua, không lo ế. Nhưng giá cả thì vẫn thất thường” - chị lo lắng.
Một điểm mạnh giúp người dân Khánh An trụ vững với nghề nông chính là nguồn nước tưới tiêu dồi dào. Ông Trình Văn Ri, một nông dân đang canh tác 2,5 công đất trồng bắp trắng cho biết: “Cả khu vực không thiếu nước, vì nhà nào cũng có giếng khoan. Giếng sâu khoảng 18 - 33m tùy khu vực, nhờ đó, đất không khô nứt, cây cối phát triển tốt. Đây chính là điều kiện thuận lợi mà không phải vùng nào cũng có được”.
Còn với anh Trình Văn Trực, người chuyên trồng “đồ giàn” như dưa leo và khổ qua, cuộc sống gắn với những buổi sáng sớm, những ngày dài mồ hôi ướt áo. Mỗi ngày, anh dậy từ 4 - 5 giờ sáng để làm đất, chăm sóc cây trồng, phun thuốc, làm cỏ. Khi vào vụ thu hoạch, anh phải thức cả đêm để hái dưa leo cho kịp chuyến hàng sớm, bởi thương lái cần hàng tươi để kịp đưa ra thị trường. Theo anh, 1 công dưa leo có thể tiêu tốn đến 10 triệu đồng, gồm tiền giống, phân bón, thuốc, nhân công... Dù vất vả, anh vẫn giữ nghề, vì đó là nguồn sống nuôi cả nhà, lo cho con cái ăn học.

Rẫy bắp xanh xen lẫn những luống đậu tươi tốt
Những người lớn tuổi vẫn nhớ rõ sự đổi thay từng ngày của vùng đất Khánh An. Ông Trình Văn Ral, một lão nông sống hơn nửa thế kỷ ở đây kể: “Hồi xưa, nước sông là tất cả. Gánh từng thùng nước về xài, tắm rửa cũng ở mương, ở sông. Giờ có nước máy, có giếng khoan, đỡ cực lắm”. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở rằng thời tiết nay khác trước, nắng gắt hơn, sâu bệnh nhiều hơn, khiến việc trồng trọt lệ thuộc nhiều hơn vào phân thuốc, ảnh hưởng đến chi phí và sức khỏe người làm nông”.
Dù đối mặt với giá cả thị trường bấp bênh, thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh phức tạp, người dân Khánh An vẫn kiên trì bám đất, gìn giữ từng luống rẫy, từng vườn xoài, liếp ổi. Những luống khổ qua xanh rì, trái xoài căng mọng và những hàng ổi trĩu quả chính là minh chứng cho lòng kiên trì và tinh thần vượt khó của người nông dân nơi đây.
BÍCH GIANG