Lộ Huệ Đức (xã Cô Tô) nối liền khu trù mật Ba Thê qua Tri Tôn, với Tỉnh lộ 136 Huệ Đức đi Long Xuyên. Khu vực đồn số 6 thuộc xã Vọng Thê, cách chi khu Ba Thê 6km về phía Tây Bắc, cách vùng rừng tràm khoảng 1,5km về phía Nam và Tây Nam, nơi đây là căn cứ cách mạng. Mùa khô năm 1966-1967, chiến trường vùng Bảy Núi và biên giới càng trở nên sôi động khi địch phát hiện Tiểu đoàn 267 của Quân khu 8 trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ tuyến hành lang biên giới. Địch tập trung càn quét vùng đồng tràm Huệ Đức, cánh đồng Năm Xã và đẩy mạnh công tác bình định, tình báo, chiêu hồi. Tháng 8-1967, địch mở một cuộc càn lớn vào đồng tràm, buộc lực lượng cách mạng của Châu Thành - Huệ Đức và TX. Long Xuyên phải tạm rút về Sóc Triết (Núi Tô) để bảo vệ lực lượng.
Tết Nguyên đán năm 1968, Tổng tiến công, nổi dậy bắt đầu. Tại mặt trận Châu Thành - Huệ Đức, ta và địch đánh nhau quyết liệt trên cánh đồng Năm Xã, kéo dài ròng rã 45 ngày đêm. Tháng 4-1968, địch tập trung máy bay, pháo binh, xe bọc thép chà xát cánh đồng Năm Xã, quân ta phải rút về đồng tràm Huệ Đức để củng cố lực lượng. Tháng 11-1968, giai đoạn “bình định đặc biệt” bắt đầu, quận Huệ Đức là một “trọng điểm” cả về mặt chính trị lẫn quân sự ở An Giang. Địch tập trung đánh phá hòng ngăn chặn hành lang vận chuyển từ biên giới vào nội địa, cắt đứt đường liên lạc giữa Khu 9 với Trung ương và làm cho việc chuyển quân, phương tiện, vũ khí không về được miền Tây.
Cựu chiến binh Nguyễn Việt Dũng thăm lại rừng tràm
Về chiến lược của khu tứ giác quân sự, Huệ Đức còn là một trong bốn vị trí, mà địch ra sức xây dựng trong cả giai đoạn này, đó là “Ba Hòn - Hà Tiên”, “Hà Tiên - núi Dài lớn”, “núi Dài lớn - núi Ba Thê”, “núi Ba Thê - Ba Hòn”. Vọng Thê là một “điển hình” về sự kìm kẹp của địch, với lực lượng quân sự dày đặc tại các ấp (622 tên trực tiếp chiến đấu) và không kể lực lượng tề xã, cảnh sát, phòng vệ dân sự…
Hoạt động “bình định” cuối năm 1968 và đầu năm 1969 gây rất nhiều khó khăn. Huyện ủy và Huyện đội vẫn còn ở núi Tô. Phần lớn cơ sở cách mạng ở xã, ấp bị đánh phá ác liệt, một số bị bắt, số khác nằm im không hoạt động. Toàn huyện Châu Thành - Huệ Đức bấy giờ chỉ còn 16 đảng viên bám xã, riêng Vọng Thê được một Chi bộ với 5 đồng chí, Ba Thê có 2 đồng chí và Núi Sập có 3 đồng chí.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy An Giang với quyết tâm “Bám đất, bám dân, đánh bại âm mưu bình định của địch”, đầu năm 1969, Huyện ủy Châu Thành sắp xếp lại tổ chức, củng cố lực lượng mọi mặt để về đồng tràm Huệ Đức xây dựng lại căn cứ và đưa lực lượng thọc sâu vào vùng yếu. Biệt động Long Xuyên và bộ đội địa phương Châu Thành - Huệ Đức sáp nhập thành một đại đội. Tháng 9-1969, Tỉnh ủy chỉ đạo chuyển Huyện ủy thành Ban Cán sự, với 2 bộ phận bên ngoài và bên trong cho phù hợp tình hình thực tế của Châu Thành, Huệ Đức.
Cuối tháng 4-1970, nhận được lệnh của cấp trên, 2 đại đội của Đoàn 61 về rừng tràm Huệ Đức, phối hợp với địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực cho lực lượng về đánh chi khu Huệ Đức, mở đường về miền Tây qua ngã Cái Sắn. Sáng 30-4, địch phát hiện 85 bao gạo do ta vận chuyển không kịp, còn giấu lại ven lộ Huệ Đức - Cô Tô. Chúng chưa kịp tổ chức càn quét thì tối hôm đó cả trung đoàn của ta từ núi xuống tới đồng tràm.
Sáng 1-5, có 3 đại đội bảo an và 4 trung đội dân vệ được pháo ở Ba Thê và máy bay yểm trợ đánh vào rừng tràm. Ngày 2-5, địch tăng thêm lực lượng sư đoàn 21 và pháo binh mở nhiều đợt tấn công, đánh phá. Bị ta đánh thiệt hại nặng nên địch lui ra xa cho pháo bắn suốt đêm. Tối đó, lực lượng của ta rút về núi Tô, để lại 2 đại đội cùng lực lượng Châu Thành, Long Xuyên, Huệ Đức giữ căn cứ, thu dọn chiến trường.
Cứ như thế, trong suốt những tháng ngày chiến tranh, rừng tràm Huệ Đức luôn bao bọc, chở che cho chiến sĩ, oằn mình gánh chịu biết bao vết thương lớn nhỏ của từng trận đánh. Giải phóng rồi, cánh rừng ấy vẫn là nơi ghi đậm dấu ấn của một thời khói lửa. Dù được biết nhiều hơn bằng tên gọi “căn cứ mùa nước nổi”, “rừng tràm Tân Tuyến”, nhưng ký ức xưa nào dễ phai mờ đối với những người đã từng “nếm mật nằm gai” ở nơi này.
Cựu chiến binh Nguyễn Việt Dũng (huyện Tri Tôn) chia sẻ: “Từ năm 17 tuổi, tôi đã vào rừng tràm hoạt động cách mạng, bám căn cứ dã chiến, tìm mọi cách cùng người dân nắm tình hình của đồn bót địch; nhờ người dân tiếp tế gạo, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh... Mọi sinh hoạt của “gia đình” 3 người diễn ra trên 1 chiếc xuồng vào những tháng ngày nước nổi. Mùa khô, chiếc võng trở thành vật bất ly thân. Trời mưa, chỉ còn cách căng ny-lon giữa các cây tràm, rồi chờ đến khi tạnh. Chưa kể muỗi “bao vây”, khó khăn đủ bề. Hòa bình rồi, nhìn thấy những dấu vết của nơi chiến đấu cũ, tự thấy bùi ngùi, nhớ mãi trong lòng, cứ như mình còn ở đơn vị ngày xưa…”.
GIA KHÁNH