Gắn bó với nghề MC đã nhiều năm, anh Lương Phước Lợi (TP. Long Xuyên) mặc định đến Tết là “chạy sô” hết công suất. Năm nào cũng vậy, anh được mời dẫn chương trình và làm diễn viên trong các tiết mục văn nghệ phục vụ Nhân dân. Ưu tiên nhất của anh là tham gia chương trình văn nghệ cùng anh em nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc tổng hợp An Giang tại công trường Trưng Nữ Vương, sau mới đi diễn ngoài tỉnh.
Từ đêm Giao thừa kéo dài đến những ngày trong Tết, để phục vụ người dân những món ăn tinh thần vui tươi, đằng sau các tiết mục đa sắc màu là cả một tập thể từ đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên phải đổ mồ hôi công sức hết mình. Khi anh trở về nhà thì mọi người đã ngon giấc, tự ôn lại những khoảnh khắc đem tiếng cười cho mọi người lấy làm vui. Trên sân khấu, anh đóng tấu hài, rồi dẫn dắt người xem từ tiết mục này sang tiết mục khác, có khi vào vai những người con xa nhà đã lâu không được đoàn tụ bên gia đình…luôn gợi nhớ về người thân dù họ đang ở rất gần.
Tết năm nay, ngoài những giờ đi diễn, anh còn được ăn cơm nhà cùng bà ngoại và mẹ, dù đã 3 giờ sáng. Bà của anh năm nay đã 90 tuổi vẫn là khán giả tích cực nhất, bà nói: “Nhìn cháu xuất hiện trên “nhà đài” cũng vui rồi. Nhất định phải chờ thằng cháu nghệ sĩ đi giúp vui cho mọi người về rồi gia đình cùng ăn bữa cơm đầu năm”.
Phía sau niềm vui mang đến cho người dân là tinh thần “không Tết” của các nghệ sĩ biểu diễn văn nghệ
Những ngày Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, ngành phà phải huy động lực lượng làm việc hết công suất. Phó Giám đốc Xí nghiệp Phà An Hòa Nguyễn Công Duệ cho biết, xí nghiệp có 3 bến: phà An Hòa, phà Trà Ôn, phà Ô Môi. Tại bến An Hòa, công ty đã huy động 6 chiếc phà hoạt động. Nhịp độ hoạt động của nhân viên trong những ngày qua trên 100% công suất, anh em phải choàng việc cho nhau, bố trí tiếp sức liên tục. Không chỉ trong những ngày Tết, từ tháng giêng đến lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, tất cả nhân lực của bến phà phải làm việc tích cực.
Ông Huỳnh Ngọc Minh Tâm, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH MTV Phà An Giang làm việc gần 40 năm ở công ty phà cho biết, rất nhiều anh em làm việc nhiều năm không có khái niệm nghỉ Tết, thời gian gắn bó ở nhà chỉ tính bằng vài phút nghỉ trưa hoặc bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, mọi người vẫn rất nỗ lực và tìm niềm vui trong công việc để phục vụ cho người dân đi lại thuận tiện, vui Tết trọn vẹn.
Nhân viên bến phà làm việc tích cực trong những ngày Tết
Tết muộn cũng là từ được nhắc đến nhiều với những người lao động xa quê hoặc hoàn cảnh khó khăn. Có câu “còn mùng là còn Tết”, thế nên không ít người vì công việc nên phải gạt qua niềm vui “chơi Tết”, chỉ nghỉ ngơi khi những người khác quay trở lại làm việc. Đó là trường hợp của những học sinh, sinh viên làm thêm. Với thù lao tăng gấp đôi ngày thường, các bạn chấp nhận gạt qua niềm vui với bạn bè để mưu sinh.
Em Trần Nhật Huy (học lớp 10) phục vụ các quán cà- phê tại TP. Long Xuyên cho biết, em làm luân phiên cho quán có nhu cầu tuyển dụng, thường chỉ tuyển 7-10 ngày. Nhờ việc làm thêm này mà Huy yên tâm sau Tết có tiền trang trải. Năm nay là năm đầu tiên Huy đi làm thêm để kiếm tiền, cậu học trò đang “tuổi học, tuổi chơi” không thấy buồn mà còn hy vọng thời gian tới có điều kiện làm thêm càng tốt.
Cũng với suy nghĩ có việc kiếm thêm tiền quan trọng hơn, ông Nguyễn Văn Tài, làm nghề chụp ảnh dạo ở núi Cấm trần tình: “Chừng nào người ta hạ nêu thì tui về nhà ăn Tết. Người ta nghỉ Tết là phải đi chơi, hoặc phải sum vầy ở nhà, nhưng tôi nghỉ Tết là phải vui bên gia đình, vui khi cơm no, áo ấm”. Với suy nghĩ như vậy mà mười mấy năm bén nghề chụp ảnh dạo cho khách du lịch, ông không mấy bận tâm khi sum họp cùng người thân muộn hơn những tổ ấm khác. Mỗi ngày, ông Tài tích cực tìm kiếm khách để phục vụ, cao điểm có thể thu về 1,5 triệu đồng.
Với những người đặt công việc, mục tiêu cuộc sống lên trên hết, ý nghĩa ngày Tết đã khác đi rất nhiều. Nhưng trong niềm vui theo cách họ tự cảm nhận…Tết vẫn trọn vẹn và ấm áp hơn bao giờ hết.
MỸ HẠNH