Sản xuất - kinh doanh thích ứng với dịch bệnh

22/09/2021 - 05:06

 - Xây dựng được kế hoạch tổng thể sản xuất - kinh doanh (SXKD) phù hợp với từng cấp độ của dịch bệnh COVID-19 góp phần thuận tiện ứng phó theo các kịch bản khác nhau. Điều quan trọng là cần có hướng dẫn áp dụng chung theo kịch bản, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi SXKD theo hướng “sống chung lâu dài” với dịch bệnh.

Doanh nghiệp còn gặp khó

Từ kết nối của UBND tỉnh An Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vừa điều chuyến tàu đầu tiên trong chương trình hỗ trợ vận chuyển nông sản, hàng hóa đến An Giang. Chuyến tàu hải quân 626 chở theo 450 tấn phân bón, xuất phát từ cảng Gò Dầu (tỉnh Đồng Nai), chỉ mất 46 giờ để vượt qua quãng đường sông dài 320km, cập bến giao hàng cho Công ty TNHH Thương mại Tân Thành chi nhánh An Giang tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú).

Là DN đầu tiên được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ vận chuyển miễn phí của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Thành chi nhánh An Giang Nguyễn Quốc Trường vui mừng: “Trong hoàn cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội hiện nay, để đặt lượng hàng 450 tấn từ TP. Hồ Chí Minh về An Giang, thời gian vận chuyển mất 1-2 tuần. Trong điều kiện bình thường, đặt hàng khoảng 3 ngày là có, đưa xuống nông dân rất nhanh. Khi dịch bệnh phức tạp, các phương tiện vận chuyển phải qua nhiều trạm, chốt kiểm soát, tốn thời gian và chi phí cho chuỗi logistics, làm chi phí đầu vào đội thêm 50-60%. Lợi thế của tàu hải quân là vận chuyển nhanh (khoảng 2 ngày), hỗ trợ vận chuyển miễn phí nên giúp DN rất nhiều”.

Sản xuất “3 tại chỗ” bộc lộ nhiều khó khăn

Phấn khởi vì được hỗ trợ, nhưng khó khăn khác lại xuất hiện khi thiếu công nhân giải phóng 450 tấn phân bón từ tàu hải quân 626 lên kho của DN. “Bình thường công ty có hơn 100 công nhân làm việc, nhưng do thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, chúng tôi giảm xuống chỉ còn 15 công nhân. Số này vừa phải tiếp nhận hàng từ tàu lên kho, xuất hàng từ kho lên xe tải để giao cho khách hàng. Công ty có 2 cầu băng chuyền để chuyển phân bón từ tàu lên kho chứa nhưng chỉ đủ người vận hành 1 băng chuyền. Do vậy, tiến độ nhập hàng chậm hơn trước” - ông Trường bộc bạch.

Nếu chỉ sử dụng số công nhân “3 tại chỗ” của DN kết hợp với lực lượng chiến sĩ trên tàu hải quân 626, tiến độ lên hàng sẽ rất chậm, không thể hoàn thành trong 2-3 ngày như dự kiến để giải phóng hàng, giúp tàu hải quân 626 triển khai thực hiện nhiệm vụ khác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Trước khó khăn này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Phú đã tham mưu UBND huyện, chấp nhận phương án cho Công ty TNHH Thương mại Tân Thành chi nhánh An Giang huy động thêm công nhân đang ở nhà (không tham gia sản xuất “3 tại chỗ”) được đến kho hàng, hỗ trợ bốc xếp, vận hành băng chuyền để đẩy nhanh tiến độ chuyển hàng từ tàu hải quân lên kho DN. Nhân viên y tế đến DN để hỗ trợ test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho công nhân tăng cường này.

Thích ứng lâu dài

An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của ĐBSCL cũng như cả nước. Bình quân mỗi năm, An Giang sản xuất khoảng 4 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau màu, hơn 200.000 tấn trái cây, khoảng 540.000 tấn thủy sản cùng nhiều sản phẩm chăn nuôi khác. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 khiến DN trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhà máy chế biến, xay xát lúa gạo, nhà máy thủy sản phải dừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Đối với DN duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, đều phải giảm quy mô hoạt động, trong khi gánh nặng chi phí tăng lên, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng.

“Ở DN của chúng tôi, công nhân đều được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, khi thực hiện “3 tại chỗ”, hơn 2 tháng nay, công nhân phải ở suốt tại nơi sản xuất trong khi đa phần có nhà ở gần công ty, thậm chỉ cách vài trăm mét cũng không được về nhà. Nếu có được cơ chế “vùng xanh”, tạo điều kiện cho công nhân đã tiêm vaccine được về nhà, cam kết chỉ đi trên 1 cung đường và tuân thủ quy định phòng dịch thì sẽ thuận lợi hơn cho cả công nhân và DN” - ông Nguyễn Quốc Trường đề xuất.

Được tàu hải quân 626 hỗ trợ chuyển hàng nhưng Công ty TNHH Thương mại Tân Thành chi nhánh An Giang gặp khó khăn về lượng công nhân chuyển hàng

Nhìn rộng ở khu vực ĐBSCL, khó khăn của DN ngày càng lớn. Theo Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong lĩnh vực chế biến thủy sản, đến cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7-2021, vẫn có 449 cơ sở còn hoạt động. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, có 120 cơ sở trong số này ngừng sản xuất; đến đầu tháng 9, đã có 176 cơ sở ngừng sản xuất do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch bệnh, tổng công suất hoạt động của DN toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ bằng 30-40% so với trước khi giãn cách xã hội.

Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội ở khu vực Nam Bộ diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là lúc tất cả, từ cơ quan quản lý nhà nước, DN, người nông dân cùng phải “xắn tay tìm giải pháp”. Trong đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với dịch bệnh COVID-19; tạo điều kiện cho DN tiếp cận phương án sản xuất “xanh” để huy động tốt lực lượng công nhân lao động, nâng công suất, tiết giảm chi phí; kết nối cung - cầu thị trường…

Giờ là lúc “sống chung với dịch bệnh”. Do vậy, phải cùng kiến tạo một không gian an toàn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phục hồi SXKD, không chỉ cho riêng các tỉnh, thành phố phía Nam, mà là cho cả nước. “Giống nhiều nước trên thế giới, chúng ta phải chuyển trạng thái từ từ sang tình hình mới, thay vì ám ảnh với cái cũ và làm mọi thứ rối hơn” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Để phục hồi SXKD, cần tạo thông suốt trong khâu vận chuyển nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm gánh nặng chi phí logistics, đồng thời xây dựng cơ chế “xanh” từ vùng nguyên liệu, con người, cung đường di chuyển cho đến nhà máy sản xuất.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích