Theo worldometers.info, tính đến 10 giờ 00 sáng 5-9 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới ghi nhận gần 26,8 triệu bệnh nhân COVID-19 (tăng 289.000 người trong 24 giờ qua), trong đó gần 879.000 người đã tử vong.
Tại châu Âu, theo số liệu cập nhật mới nhất, số bệnh nhân tại châu lục này hiện là 3,7 triệu người, tăng hơn 35.000 người trong 24 giờ qua, và có 209.000 người đã tử vong.
Nga tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 1,015 triệu bệnh nhân (tăng hơn 5.110 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha với 517.900 ca (tăng 4.500 bệnh nhân).
Kiểm tra thân nhiệt nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 tại Florence, Italy, ngày 4-9-2020. (Ảnh: THX-TTXVN)
Pháp bất ngờ ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trở lại với 8.975 ca - là mức tăng cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, lên tổng số 309.000 bệnh nhân COVID-19.
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, số bệnh nhân COVID-19 toàn châu lục tăng thêm 115.000 ca lên 7,5 triệu bệnh nhân. Ấn Độ tăng thêm 87.115 người lên hơn 4,020 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 69.000 người đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong một ngày qua tại Philippines là 3.700 ca, Indonesia là 3.200 ca - cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tại Bắc Mỹ, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện là 7,5 triệu người, trong đó Mỹ đứng đầu với 6,3 triệu người (tăng 51.000 ca trong 24 giờ qua). Tiếp theo là các nước Mexico và Canada với lần lượt 616.000 bệnh nhân (tăng thêm 5.937 ca) và 131.000 ca (tăng thêm 630 ca).
Tại Nam Mỹ, tổng số bệnh nhân là 6,6 triệu người (tăng 68.000 người) và 209.000 người đã tử vong, trong đó Brazil có tới 4,09 triệu bệnh nhân (tăng 45.000 người).
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: THX-TTXVN)
Argentina ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất khu vực - 10.680 ca lên 461.000 bệnh nhân. Sau Brazill, Peru và Colombia hiện là hai nước có số bệnh nhân cao thứ hai và ba tại khu vực Nam Mỹ, lần lượt là 670.00 và 650.000 bệnh nhân.
Tại châu Phi, tổng số bệnh nhân là 1,289 triệu người, tăng 8.636 bệnh nhân trong 24 giờ qua. Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu lục với 635.000 bệnh nhân (tăng 2.063 người), trong đó có 14.678 người đã tử vong. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung đã có dấu hiệu suy giảm.
Do tình hình bệnh có dấu hiệu cải thiện, Mozambique đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp phòng chống COVID-19. Ngày 4-9, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi thông báo trên truyền hình rằng nước này sẽ dỡ bỏ các biện pháp được thực hiện để chống lại đại dịch COVID-19 từ ngày 6-9 tới.
Hiện Mozambique đã chính thức ghi nhận tổng cộng 4.265 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 26 ca tử vong, trong khi quốc gia láng giềng Nam Phi đã ghi nhận 635.078 trường hợp mắc COVID-19 và 14.678 ca tử vong.
Theo kế hoạch, Mozambique cũng sẽ mở lại biên giới vào 7-9, đặc biệt là đối với các chuyến bay quốc tế. Các bãi biển sẽ được mở trở lại và các hoạt động tôn giáo cũng có thể quy tụ lên đến 250 tín đồ.
Trong khi đó, Liberia đã cách chức quan chức y tế cấp cao vì những sai phạm liên quan xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Ngày 4-9, Tổng thống Liberia George Weah đã quyết định cách chức giám đốc Viện Y tế công cộng (NPHIL) Mososka Fallah vì những sai phạm liên quan thủ tục hành chính và y tế trong ban hành kết quả xét nghiệm COVID-19. Một Ủy ban đặc biệt đã được thành lập để điều tra sai phạm của ông Fallah.
Cảnh sát ngăn người dân tụ tập tại khu vực chợ Đèn Đỏ để ngăn sự lây lan của dịch COVID-19. (Nguồn: Reuters)
NPHIL là cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các dịch bệnh tại Liberia, trong đó có COVID-19. Tính đến nay, cơ quan chức năng Liberia đã phát hiện 1.306 người dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 82 người tử vong.
Liberia là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, bị tàn phá do các cuộc nội chiến diễn ra trong giai đoạn 1989-2003, khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng. Nước này cũng chịu tác động nặng nề của đại dịch Ebola năm 2014-2016 tàn phá các nước Tây Phi, trong đó 4.800 người Liberia đã tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ủng hộ gói vật tư y tế trị giá hơn 5,2 triệu USD giúp Nam Sudan đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ông Alain Noudehou, điều phối viên nhân đạo tại quốc gia Đông Phi này cho biết, khoảng 70 tấn hàng hoá, vật tư y tế đã được WHO mua bằng nguồn kinh phí từ Quỹ Nhân đạo Nam Sudan (SSHF) và của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB).
Gói hỗ trợ này bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang, tấm che mặt, máy thở, mặt nạ phòng độc, kính bảo hộ…
Các thiết bị, vật tư y tế này sẽ giúp bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu và những người khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan sức khoẻ cộng đồng khỏi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 khi tiến hành chăm sóc cho những bệnh nhân COVID-19 tại Nam Sudan.
Nam Sudan ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 5-4-2020. Đến nay, nước này đã phát hiện 2.536 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 47 người đã tử vong.
Theo PHƯƠNG HỒ (Vietnam+)