Sau vụ nổ Nord Stream, chuyên gia lo cho đường ống khí đốt Ba Lan vừa khai trương

02/10/2022 - 18:57

Khí đốt tự nhiên đã bắt đầu được chuyển qua một đường ống dẫn dưới biển mới giữa Na Uy và Ba Lan. Trước đó không lâu, đã xảy ra sự cố nổ các đường ống Nord Stream, khiến dư luận lo ngại về an toàn của tuyến đường ống mới này.


Trạm máy nén khí Goleniow ở Budno, Ba Lan, một phần của đường ống mới giữa Na Uy và Ba Lan. Ảnh: Reuters

Theo tờ New York Times, đường ống Baltic Pipe mới khai trương ở châu Âu là tuyến đường ống dẫn khí đốt mới duy nhất ở châu lục này sau vài chục năm. Đường ống này có thể vận chuyển tới 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tức là đủ để thay thế lượng khí đốt tự nhiên mà Ba Lan đã nhận từ Nga.

Được khởi công vào năm 2018, tuyến đường ống này của Ba Lan sẽ mang khí đốt từ những nơi giàu năng lượng của Na Uy đến Trung Âu, qua bờ biển Ba Lan. Sau đó, khí đốt theo các đường ống trên bộ chảy đến các nước Liên minh châu Âu khác trong khu vực.

Niềm vui khai trương đường ống mới đã bị lu mờ trước sự việc xảy ra với hai đường ống Nord Stream. Vụ nổ ở hai đường ống huyết mạch dưới đáy biển này đã làm dấy lên những lo ngại mới về khả năng dễ bị tổn thương của tuyến đường ống mới nhất chạy qua Biển Baltic.

Ba Lan đã có kế hoạch với đường ống Baltic Pipe từ những năm 1990 và coi đây là bước quan trọng để chấm dứt phụ thuộc khí đốt Nga. Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan từ tháng 4.

Tại buổi lễ ngày 27/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, cho biết: “Hôm nay chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của chủ quyền năng lượng, tự do năng lượng và an ninh được tăng cường”.

Nhưng những lo ngại rằng quyền tự do này có thể bị đe dọa đã gia tăng trong những ngày sau khi các đường ống Nord Stream bị rò rỉ sau vụ nổ. Các nhà lãnh đạo châu Âu và Nga đã gọi những vụ rò rỉ này là hành vi phá hoại tinh vi đến mức chỉ một nhân tố nhà nước mới có khả năng thực hiện.

Thiệt hại với Nord Stream làm gia tăng rủi ro đối với nguồn cung năng lượng nói chung ở châu Âu, vốn đang phải tìm cách dừng sử dụng khí đốt Nga. Các nhà phân tích cho biết điều này cũng làm dấy lên lo ngại về leo thang đáng kể trong cuộc chiến năng lượng ủy nhiệm giữa Nga và phương Tây kể từ khi Nga xung đột với Ukraine vào tháng 2.

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions nhận định: “Rủi ro đối với các dòng khí đốt trong thời gian tới đã tăng mạnh do lo ngại rằng có thể xảy ra thêm hành vi phá hoại đối với các đường ống nhập khẩu khí đốt quan trọng”.

Các chuyên gia cho biết đường ống mới của Ba Lan là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Liên minh châu Âu nhằm đa dạng hóa cơ sở hạ tầng năng lượng, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu.

Theo ông Benjamin L. Schmitt, cựu cố vấn an ninh năng lượng châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định đường ống mới này nằm trong chiến lược của châu Âu để làm giảm vị thế độc quyền năng lượng của các tập đoàn nhà nước Nga như Gazprom. Nhưng ông nói ngay cả những mạng lưới năng lượng mạnh mẽ nhất cũng chỉ có thể hoạt động nếu được bảo đảm an toàn.

Baltic Pipe là đường ống khí đốt chính thứ ba chạy dưới Biển Baltic, cùng với các đường Nord Stream vừa bị rò rỉ. Đường ống của Ba Lan bắt đầu ở Biển Bắc phía tây Đan Mạch, nơi nó phân nhánh từ đường ống Europipe II, một trong mạng lưới đường ống dài hàng nghìn km chở khí đốt tự nhiên của Na Uy đến Bắc Âu qua Biển Bắc.

Khi hai đường ống Nord Stream đã bị hư hỏng, phương tiện hiệu quả nhất của Nga để vận chuyển khí đốt đến châu Âu đã bị vô hiệu hóa. Mặc dù mỗi đường ống đều chứa một lượng khí đốt nhưng không đường ống nào đang chuyển nhiên liệu vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, vì Nga đã ngừng hoạt động đường ống Nord Stream 1 và Đức chưa bao giờ cho phép cho đường ống Nord Stream 2 hoạt động.

Các vụ nổ đường ống nói trên đã gây báo động cho cả NATO và các nước châu Âu, khiến các nước tăng cường tuần tra trên Biển Baltic. Công ty Ba Lan vận hành Baltic Pipe là Gaz-System cho biết công ty này cùng với các nhà chức trách Ba Lan đang giám sát liên tục đoạn đường ống mới dưới biển.

Các chuyên gia chỉ ra rằng tất cả các cơ sở hạ tầng dưới biển đều dễ bị tổn thương, kể cả hàng nghìn km dây cáp thông tin liên lạc dưới đáy biển. Ông Johannes Peters, một chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Hàng hải tại Đại học Kiel, nói: “Bạn phải hoạt động với giả định rằng không thể giám sát toàn bộ chiều dài cơ sở hạ tầng dưới biển”.

Nhiều chuyên gia tin rằng thời điểm xảy ra các cuộc tấn công Nord Stream không phải là ngẫu nhiên. Thông tin sự cố xuất hiện vài giờ trước khi ông Morawiecki và người đồng cấp Đan Mạch thực hiện nghi thức khai trương Baltic Pipe.

Châu Âu đã bắt đầu áp dụng biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn đối với cơ sở hạ tầng quan trọng ở các quốc gia thành viên vài năm trước. Sau khi bị rò rỉ Nord Stream, châu Âu sẽ xem xét yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo an ninh.

Bà Ylva Johansson, một quan chức an ninh tại Liên minh châu Âu, nói: “Tôi nghĩ rằng đây thực sự là một lời cảnh báo cho chúng ta rằng chúng ta cần phải hành động triệt để hơn nhiều để bảo vệ mình trước những cuộc tấn công kiểu này”.

Một ngày sau khi các vết rò rỉ được phát hiện, Đan Mạch đã tăng cường an ninh đối với cơ sở hạ tầng năng lượng lên mức cảnh báo cao thứ hai. Các quan chức ở Na Uy cho biết họ sẽ tăng cường tuần tra quân sự. Ông Thomas Gjesdal tại Bộ chỉ huy Tác chiến Quốc phòng Na Uy nói: “Các lực lượng vũ trang sẽ tăng cường quan sát và hiện diện ở các khu vực xung quanh các cơ sở khai thác dầu khí. Điều này áp dụng cho hiện diện và tuần tra với các lực lượng trên bộ, trên không, trên biển, dưới nước và trên mạng”.

Bà Cecilie Hellestveit, chuyên gia về luật quốc tế tại Học viện Luật Quốc tế Na Uy, cho biết các vụ phá hoại nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã phổ biến trong các cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông. Bà nói: “Điều mới mẻ là việc này đang xảy ra ở châu Âu. Chúng ta không quen với kiểu đe dọa này”.

Theo THÙY DƯƠNG(Báo Tin tức)