Các thành viên đội tuyển Taekwondo thi đấu biểu diễn Quyền sáng tạo đồng đội ăn mừng khi giành HCV ngay trận đầu ra quân tại SEA Games 31, sáng 16/5. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Hơn 2 năm trước, đại dịch COVID-19 xuất hiện và dần lan mạnh trên toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi đó, thời gian như bị “đóng băng” bởi nhiều sự kiện, hoạt động phải tạm dừng, hoãn hoặc hủy, trong đó có Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc kịp thời, rốt ráo của Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, xã hội trở lại cuộc sống bình thường sau khoảng 2 năm chống chọi với đại dịch.
Từ quyết định lịch sử
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 ban đầu được dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11/2021, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, SEA Games 31 đã bị hoãn sang năm 2022. Đây cũng là kỳ SEA Games đầu tiên phải dời lịch vì dịch bệnh.
Cũng trong năm 2021, đứng trước thực tế dịch bệnh ngày càng có nhiều diễn biến khó lường, Thủ đô Hà Nội buộc phải áp dụng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội toàn thành phố, mọi hoạt động bị ngưng trệ, ưu tiên cao nhất được dành cho công tác chống dịch COVID-19.
Những người yêu thể thao thấp thỏm, lo lắng không biết SEA Games có thể quay trở lại và người hâm mộ liệu có thể đến sân theo dõi trực tiếp các vận động viên thi đấu.
Không chỉ ở Việt Nam, mà tại các nước Đông Nam Á, dịch bệnh cũng tạo áp lực rất lớn nên xã hội, do đó, việc di chuyển từ nước này qua nước khác thực sự hết sức khó khăn vì nỗi lo lây lan dịch bệnh. Nỗi lo về một kỳ SEA Games không khán giả cũng luôn hiện hữu khi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào và rất khó dự báo.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã dồn sức cho công tác phòng, chống dịch nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, không để lỡ nhịp phát triển kinh tế, đồng thời cũng không bỏ lỡ cơ hội tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế thông qua SEA Games 31.
Bằng những chính sách đúng đắn, linh hoạt và hiệu quả, dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát, đẩy lùi, đến cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á cơ bản được kiểm soát, đẩy lùi, cũng là lúc ngày tổ chức SEA Games 31 được ấn định.
Nỗi lo về một kỳ SEA Games “không khán giả” thực sự được cởi bỏ khi Chính phủ đưa ra quyết định lịch sử là mở cửa du lịch từ ngày 15/3, điều đó đồng nghĩa với việc khách du lịch, cổ động viên, người yêu thể thao ở các nước có thể tới Việt Nam để cùng sống chung trong bầu không khí lễ hội thể thao lớn nhất khu vực.
Chưa hết, ngày 28/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn về việc dừng khai báo y tế về COVID-19, để phục vụ SEA Games 31. Vì vậy, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam để tham gia, tham dự SEA Games 31 cũng không phải khai báo y tế về COVID-19.
Cuối cùng, vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức, tối 12/5, hàng nghìn vận động viên, người hâm mộ trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình cùng hàng triệu khán giả Đông Nam Á đã được chứng kiến một lễ khai mạc SEA Games hoành tráng, ấn tượng với bản sắc văn hóa Việt Nam đậm đà, hòa quyện cùng tinh thần thể thao cao thượng.
Đến một kỳ SEA Games bừng sáng
Tại Lễ bế mạc SEA Games 31 tối 23/5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban tổ chức SEA Games 31 đã tổng kết tại đại hội này, Ban tổ chức đã trao tổng số 1.759 huy chương các loại, trong đó có 525 huy chương Vàng, 522 huy chương Bạc và 712 huy chương Đồng; có 30 kỷ lục SEA Games được xác lập.
Đội tuyển nữ Việt Nam vui mừng với chiến thắng, bảo vệ thành công Huy chương Vàng SEA Games. (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)
Đoàn thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games với kỷ lục 205 huy chương Vàng; phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung.
SEA Games 31 được tổ chức ở 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam và gần như ở bất kỳ địa điểm thi đấu nào, ở bất kể môn thi đấu nào, dù có vận động viên nước chủ nhà thi đấu hay không cũng đều nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả.
SEA Games 31 đã để lại ấn tượng rất lớn đối với người dân Việt Nam nói chung và với những người yêu thể thao nói riêng khi hình ảnh về những khán đài chật kín khán giả, không khí lễ hội được bao trùm khắp các nhà thi đấu, sự hò reo, cổ vũ cho vận động viên cả “đội nhà” lẫn “đội khách” một cách vô tư, trong sáng, đó là minh chứng rõ rệt nhất cho một tình yêu thể thao trong sáng, của bản chất con người Việt Nam thân thiện, mến khách.
Ông Mohammed Djouadj, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi đã bày tỏ sự ấn tượng về công tác tổ chức SEA Games 31 của nước chủ nhà Việt Nam.
Theo ông Djouadj, Việt Nam là một đất nước tổ chức các sự kiện lớn. "Khi đến đây, tôi cảm nhận được đang có sự kiện thể thao lớn trong khu vực đang được tổ chức tại đây. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực làm hết sức mình để có một kỳ SEA Games thành công, qua đó nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới," ông cho biết.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, một số sự kiện thể thao lớn mang tầm quốc tế phải tổ chức trong điều kiện không khán giả hoặc bị hoãn lại, thì hình ảnh những khán đài đầy ắp khán giả tại SEA Games 31 là minh chứng rõ rệt nhất cho một Việt Nam an toàn, vượt qua dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường.
Đây cũng là minh chứng cho sự nhiệt tình, thân thiện, mến khách của nước chủ nhà, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+