Mục tiêu phấn đấu lọt vào top 3 khu vực và phấn đấu đạt từ 100 Huy chương Vàng của của đoàn Thể thao Việt Nam được đánh giá hợp lý trong bối cảnh nước chủ nhà Campuchia đã loại rất nhiều môn thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chia sẻ về con số huy chương mục tiêu “khiêm tốn", Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Đặng Hà Việt nhận định: "SEA Games 32 thực sự áp lực tương đối lớn khi SEA Games 31 Việt Nam đã làm quá tốt với 205 Huy chương Vàng, chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn và có nhiều thuận lợi hơn so với lần này. Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 1 năm đã diễn ra SEA Games 32 và nước chủ nhà đã đưa ra một số quy định như giới hạn nội dung tham gia, loại bỏ môn thi đấu... nên việc chênh lệch thành tích giữa 2 kỳ SEA Games sẽ tạo áp lực lớn".
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: Ở kỳ SEA Games này Campuchia đã chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng và thể hiện rõ tinh thần quyết tâm hướng đến một kỳ SEA Games thành công trên mọi phương diện.
Tại Đại hội, dự kiến Campuchia sẽ tổ chức 36 môn thể thao với 583 nội dung thi đấu. Tuy nhiên, con số này có thể được điều chỉnh lần nữa sau khi Hội nghị trưởng đoàn lần thứ 2 diễn ra vào tháng 3 tới.
Để hoàn thành mục tiêu top 3 tại SEA Games 32 này, ngay từ đầu năm các đội tuyển đã tập trung tập luyện nghiêm túc phân bổ đều ở 4 trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia. Có một số đội tuyển đã đi tập huấn nước ngoài để nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn. Cùng với đó, quá trình tập luyện của VĐV sẽ được chuẩn bị kỹ càng, xuyên suốt từ nay cho tới ASIAD 19 (diễn ra vào tháng 10 tại Hàng Châu, Trung Quốc), hướng tới nhiệm vụ “kép” trong năm 2023.
Tại SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia cũng đã loại rất nhiều môn thế mạnh của Việt Nam như bắn cung, canoneing, rowing, futsal, kurash... và khống chế số lượng đăng ký các nội dung thi đấu ở một số môn võ.
Theo phụ trách quản lý của 30 môn thể thao dự kiến tham dự SEA Games 32, khó khăn của hầu hết các bộ môn chính là việc ban tổ chức nước chủ nhà đã điều chỉnh, cắt giảm khá nhiều nội dung thế mạnh của Thể thao Việt Nam như: wushu, bắn súng, aerobic, thể dục dụng cụ... Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam khi phấn đấu nằm trong top đầu huy chương tại SEA Games 32.
Thêm nữa, do điều kiện thi đấu ở các địa điểm (5 địa điểm) cách khá xa nhau, có những nơi phải di chuyển bằng máy bay, do đó các thành viên đoàn Thể thao Việt Nam cũng như đội ngũ bác sĩ, phụ trách quản lý các hoạt động của đoàn rất có thể sẽ tăng hơn so với các kỳ Đại hội trước.
Rút kinh nghiệm từ SEA Games 31, ở kỳ SEA Games 32 lần này công tác doping được lãnh đạo Bộ và ngành TDTT đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều yêu cầu quản lý sát sao VĐV.
Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Trung tâm Doping - Y học Thể thao - VADA cho biết: Trung tâm sẽ cử các cán bộ đồng hành cùng các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia để tuyên truyền, kiểm soát trong việc triển khai nhiệm vụ liên quan tới doping tới từng VĐV. Qua đó, hạn chế tới mức tối đa việc VĐV Việt Nam vi phạm tới các việc sử dụng các chất doping nằm trong danh mục cấm.
Nhận định đây là một kỳ Đại hội khá khó khăn với Thể thao Việt Nam trong việc bảo vệ vị trí dẫn đầu bảng vàng thành tích SEA Games, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu các bộ môn nghiên cứu, tổng hợp số liệu, thông tin để có dự báo chính xác, sát thực về khả năng đoạt huy chương, thành tích của các VĐV cũng như lường trước được những khó khăn, những tình huống bất ngờ khi tham gia thi đấu trên nước bạn.
Theo lịch thi đấu dự kiến của Ban tổ chức đại hội mới công bố thì môn khởi tranh đầu tiên của SEA Games 32 là môn bóng đá (sẽ diễn ra vào ngày 29/4). Tiếp sau đó là các môn; thuyền buồm (sailing), khúc côn cầu trong nhà (hockey) sẽ bắt đầu từ ngày 1/5.
Ngày khai mạc của Đại hội là ngày 5/5 và bế mạc là ngày 17/5.
Theo Báo Tin Tức