Lực lượng đặc nhiệm Gurkha tại Singapore REUTERS
Hãng Reuters ngày 5-6 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Singapore sẽ cử đội các chiến binh Gurkha để đảm bảo an ninh cho hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào ngày 12-6.
Đây là các “siêu đặc nhiệm” thuộc bộ lạc Gurkha ở Nepal nổi tiếng thiện chiến hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh việc tham gia trong quân đội Nepal, chiến binh Gurkha ngày nay được tuyển dụng bởi quân đội Anh, quân đội Ấn Độ, cảnh sát Singapore và lực lượng cận vệ Brunei, dù họ vẫn mang quốc tịch Nepal.
Dù có hẳn một đơn vị trực thuộc cảnh sát Singapore nhưng những đặc nhiệm vốn rất ít thấy tại nơi công cộng lại vừa xuất hiện nhiều bất thường tại khách sạn Shangri-La tại đối thoại Shangri-La từ ngày 1 đến 3-6.
Giới quan sát cho rằng bên cạnh việc bảo vệ an ninh cho đối thoại, đây cũng là dịp họ diễn tập trước khi bảo vệ an ninh cho thượng đỉnh Mỹ-Triều, bên cạnh lực lượng an ninh riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đặc nhiệm Gurkha tuần tra bên ngoài khách sạn Shangri-La tại Singapore REUTERS
Chiến binh Gurkha thuộc lực lượng cảnh sát Singapore được trang bị “tận răng” với nhiều vũ khí hiện đại như súng trường tấn công FN SCAR của Bỉ bên cạnh các súng lục giắt đầy chân. Bên cạnh đó, họ luôn có loại vũ khí truyền thống “khét tiếng” và gắn liền với khả năng thiện chiến là con dao quắm khukri. Theo truyền thống, mỗi lần chiến binh Gurkha rút con dao này ra là nó phải vấy máu.
Chuyên gia Tim Huxley tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng đây là lực lượng tinh nhuệ nhất mà Singapore có thể điều động đến hội nghị thượng đỉnh. “Nhu cầu bảo vệ an ninh cho sự kiện tầm cỡ này chính xác là phải cần đến lực lượng Gurkha đảm nhiệm”, ông nói.
1 chống 30
Cảnh sát Singapore từ chối bình luận về việc điều động chiến binh Gurkha cũng như nhân số. Tuy nhiên, IISS cho biết hiện có khoảng 1.800 chiến binh này trong lực lượng cảnh sát Singapore.
Tại đây, họ sống cùng gia đình ở Trại Mount Vernon, nơi không người dân thường nào được phép bén mảng đến. Vợ 1 chiến binh Gurkha cho biết cuộc sống họ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Sau giờ giới nghiêm nửa đêm, phụ nữ có thể không trở về nếu có lý do chính đáng nhưng tất cả đàn ông phải có mặt trong trại.
“Một trong các quy định là chúng tôi phải lên giường lúc 22 giờ 30 hằng đêm. Không được nghe nhạc hay giải trí khác. Dù có tiệc tùng cũng phải dừng, nếu không sẽ bị lực lượng tuần tra buộc dừng”, người này kể.
Thông thường họ được tuyển từ Nepal từ năm 18 tuổi để huấn luyện tại Singapore và phục vụ đến năm 45 tuổi thì “về hưu” và quay lại Nepal. Con cái họ được đi học, nhưng họ không được phép kết hôn với phụ nữ Singapore.
Chiến binh Gurkha được trang bị nhiều vũ khí hiện đại REUTERS
Gurkha thuộc nhóm dân Rajput Khasi ở miền bắc Ấn Độ, di cư sang Nepal từ thế kỷ 16. Theo truyền thuyết, tổ tiên của họ là Hoàng tử Bappa Rawal đã bảo vệ pháp sư Gorkhanath trong lúc ông đang tham thiền nhập định. Sau đó, Thần đã tặng hoàng tử danh hiệu Gurkha (nghĩa là đồ đệ của Gorkhanath) và tuyên bố Bappa Rawal và con cháu của ông sẽ vang danh thiên hạ về lòng dũng cảm.
Dù tham gia lực lượng nào, chiến binh Gurkha luôn nổi tiếng về khả năng chiến đấu. Năm 2016, một chiến binh Gurkha của Anh từng 1 mình chống 30 lính Taliban tại Afghanistan. Chỉ với 1 con dao khukri, người này đã tiêu diệt 3 tên và làm bị thương nhiều tên khác trước khi giải cứu đồng đội bị bao vây.
Nhận định về chiến binh Gurkha, một vị Tham mưu trưởng quân đội Ấn từng nói rằng: “Nếu một người đàn ông nói anh ta không sợ chết, hoặc là anh ta nói dối, hoặc anh ấy là lính đánh thuê Gurkha”. Câu nói nổi tiếng cũng là nguyên tắc hoạt động xuyên suốt trong quân ngũ của lính Gurkha đó là: “It is better to die than to be a coward” (Thà chết còn hơn làm thằng hèn).
Dao khukri nổi tiếng của lính Gurkha, được thiết kế có thể gây ra tổn thương tối đa cho đối phương REUTERS
Theo Thanh Niên