Dấu son 2 cấp

08/07/2025 - 07:57

Ngày 1/7/2025 ghi dấu thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc khi cả nước đồng loạt vận hành chính thức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố. Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

 

 

Từ ngày 1/7/2025, cả nước còn 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường. Ghi nhận một tuần đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, không khí làm việc tại các địa phương diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, thể hiện quyết tâm chính trị cao. Mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu: Không để chậm trễ, không để ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.

Các cán bộ Trung tâm phục vụ Hành chính công xã Bờ Y và xã Dục Nông (Quảng Ngãi) giải quyết thủ tục cho người dân sáng 1/7.

Xã Bờ Y - xã “Ngã ba biên giới” của tỉnh Quảng Ngãi - sau khi hợp nhất từ 3 đơn vị hành chính cấp xã cũ là thị trấn Plei Kần, xã Đăk Xú và xã Pờ Y, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũ, có diện tích rộng lên đến hơn 242 km2. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước cùng tinh thần hết lòng vì công việc, các cán bộ của xã đã thực hiện tốt công việc, phục vụ chu đáo, tận tình cho người dân, không để công việc bị gián đoạn.

Sáng 1/7, bà Lê Thị Dung (xã Đăk Tô) đến Trung tâm dịch vụ Hành chính công xã Bờ Y để làm thủ tục nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất tại xã Bờ Y. Bà cho biết, việc tập trung các thủ tục hành chính về Trung tâm dịch vụ Hành chính công giúp người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, không phải di chuyển nhiều nơi. Bà cảm thấy rất hài lòng với mô hình làm việc chính quyền địa phương hai cấp.

Ông Hoàng Hữu Sửu (trú tại xã Sa Loong, tỉnh Quảng Ngãi) thì cho biết, do thói quen cũ, ông đã ghi sai địa chỉ hành chính khi làm thủ tục thừa kế đất. Sau khi được cán bộ hướng dẫn, ông đã chỉnh sửa kịp thời và hoàn tất hồ sơ. “Tôi thấy cán bộ rất tận tình, chu đáo. Việc làm thủ tục hành chính đã nhanh hơn, lại không phải đi lại nhiều nơi”, ông chia sẻ.

Trung tâm hành chính Đặc khu Kiên Hải, tỉnh An Giang đặt tại đảo Hòn Tre.

Tương tự, ông Phan Minh Sơn, ấp 1, Đặc khu Kiên Hải (tỉnh An Giang) cho biết, sáng 2/7, ông đến Trung tâm phục vụ hành chính công của đặc khu để làm lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cán bộ phụ trách hướng dẫn photo bổ sung một số giấy tờ có liên quan và đã tiếp nhận hồ sơ hẹn trả kết quả trong 1 tuần tới. "Tôi vui mừng vì không phải đi lại xa xôi, tàu phà để vào trung tâm thành phố làm các thủ tục như trước đây. Không chỉ vậy, tôi còn phấn khởi hơn trước tinh thần, thái độ phục vụ người dân của cán bộ", ông Sơn nói.

Tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Bắc Ninh ngày 5/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định: "Việc sắp xếp lại giang sơn, vẽ lại bản đồ đất nước được nhân dân đánh giá, ủng hộ rất cao. Đây là nguồn động viên lớn, thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tương lai tươi sáng của đất nước".

Trước đó, trong ngày 30/6, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đây là ngày hội lớn của toàn dân, đánh dấu sự kiện lịch sử trong quá trình cải cách thể chế, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao các nghị quyết, quyết định của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính và thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam của TP Hồ Chí Minh.

Dự lễ công bố tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân.

Tổng Bí thư kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước, từ vùng cao biên giới đến hải đảo xa xôi, từ thành thị tới nông thôn, hãy tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và tiếp tục hun đúc lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái để tạo nên một khối thống nhất bền chặt - sức mạnh vô địch của nhân dân ta. Các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động hãy chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế phát triển, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân.

Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; các quyết định của Thành phố Hà Nội về việc triển khai tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Phát biểu tại buổi Lễ công bố nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; các quyết định của thành phố Hà Nội về việc triển khai tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, đây là một dấu mốc rất đặc biệt của cả nước và Thủ đô Hà Nội để bắt đầu từ ngày 1/7/2025, bộ máy chính quyền địa phương cả nước chính thức bước sang giai đoạn mới - chuyển từ chính quyền địa phương 3 cấp đã hoạt động trong 80 năm từ khi thành lập nước sang chính quyền địa phương 2 cấp. Đây không chỉ là việc điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là một bước đi có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, tổ chức và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng An, thành phố Hải Phòng.

Nhấn mạnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính, hợp nhất cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập cấp xã nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, nâng cao hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, gần dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, trong buổi lễ công bố tại Hải Phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng thành một đơn vị hành chính mới mang tên thành phố Hải Phòng thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Đảng, Nhà nước, mở ra không gian phát triển, tối ưu hóa nguồn lực, cộng hưởng các tiềm năng, lợi thế, tạo thành một cực tăng trưởng mới, góp phần dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của vùng, của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Trung tâm phục vụ Hành chính công của thành phố Cần Thơ (mới).

Trao các quyết định, nghị quyết và phát biểu chỉ đạo tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ, việc sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tư tưởng, tâm lý, vấn đề khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán hình thành từ lâu đời của nhân dân mỗi địa phương. Trong thời khắc lịch sử đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và lòng biết ơn sâu sắc về những cống hiến to lớn, bền bỉ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các địa phương, nhất là cấp huyện và các xã trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Quyết định mang tính lịch sử này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong công tác tổ chức hành chính mà còn gợi lại 3 địa phương từng gắn bó mật thiết dưới mái nhà chung mang tên tỉnh Hậu Giang. 

 
 

Báo cáo tại cuộc họp ngày 4/7 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính; dự thảo báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII từ tháng 11/2024 đến tháng 7/2025 cho thấy, các địa phương đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm vận hành bộ máy hiệu quả, ổn định như bố trí phương tiện đi lại đưa đón cán bộ, công chức làm việc giữa các trụ sở hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố mới; tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ (nhất là nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử) cho cán bộ, công chức cấp xã; bố trí cán bộ, công chức có kinh nghiệm hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ, công chức mới tiếp nhận công việc...

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.

Nhiều địa phương đã tổ chức vận hành thử nghiệm hiệu quả toàn bộ bộ máy, nhất là Trung tâm Phục vụ hành chính công. Qua báo cáo bước đầu của các địa phương, việc vận hành mô hình đơn vị hành chính 2 cấp cơ bản thông suốt, ổn định; các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, không bị gián đoạn. Bước đầu vận hành chính thức bộ máy cấp xã mới, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có quyết tâm cao hơn, trách nhiệm lớn hơn trong việc phấn đấu đưa quê hương, đất nước vươn mình phát triển.

Dư luận những ngày qua cho thấy cuộc cách mạng sắp xếp đơn vị hành chính không đơn thuần là thay đổi về địa giới hay tổ chức cán bộ, mà sâu xa là thay đổi tư duy, nâng cao trình độ, trách nhiệm và đạo đức công vụ. Đại đa số đội ngũ cán bộ, công chức đã thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực học hỏi, rèn luyện chuyên môn và kỹ năng, luôn tận tâm, tận tụy với công việc.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công phường Phú Xuân và phường Kim Long (thành phố Huế) hướng dẫn người dân trong ngày đầu tiên chính quyền hai cấp đi vào hoạt động.

Sau khi mô hình chính quyền 2 cấp đi vào vận hành, nhiều địa phương của thành phố Huế đối diện với không ít khó khăn về nhân sự, địa bàn rộng, hạ tầng chưa đồng bộ. Tuy nhiên, không chọn cách trì hoãn hay chờ đợi, nhiều xã, phường đã linh hoạt tìm hướng đi riêng nhằm giải quyết bất cập và phục vụ người dân tốt hơn. Chẳng hạn như phường Phong Điền, đơn vị cấp xã có diện tích hành chính lớn nhất thành phố Huế, với tinh thần khẩn trương “vừa làm vừa hoàn thiện”, thay vì để người dân tự xoay xở, chính quyền phường đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, phục vụ người dân ngay từ những ngày đầu vận hành mô hình mới.

Phường Phong Điền đã bố trí các điểm tiếp nhận hồ sơ lưu động tại những khu vực xa như Phong Mỹ, Phong Xuân, giúp người dân không phải di chuyển hàng chục cây số đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường. Đồng thời, phường cũng hợp đồng với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam tại Huế để vận chuyển hồ sơ hai vòng mỗi ngày, từ các điểm tiếp nhận về trung tâm xử lý và kịp thời trả kết quả ngay trong ngày cho người dân. Chi phí vận chuyển hoàn toàn được chi trả từ nguồn ngân sách phường, không để người dân phải “gánh” thêm bất cứ chi phí nào.

Mô hình giải quyết thủ tục hành chính lưu động tại xã Bù Đăng, tỉnh Đồng Nai.

Bù Đăng, một xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Đồng Nai, cũng cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong việc triển khai xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân thông qua mô hình trung tâm phục vụ hành chính công lưu động.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay sau khi công bố các quyết định thành lập xã và kiện toàn bộ máy, UBND xã Bù Đăng đã xây dựng kế hoạch và triển khai tổ lưu động tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại thôn nhằm giải quyết thủ tục hành chính, những vấn đề người dân bức xúc ngay tại cơ sở. Ngay trong buổi ra quân đầu tiên, Trung tâm Phục vụ hành chính công lưu động của xã đã xử lý hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính của 40 lượt người dân, trong đó có những thủ tục liên quan đến đất đai khá phức tạp.

Việc giải quyết các thủ tục hành chính tại xã Đakrông (Quảng Trị) diễn ra nhanh chóng.

Theo Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống địa phương 556 thủ tục hành chính. Cụ thể, UBND tỉnh 262 thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh 217 thủ tục hành chính, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 70 thủ tục hành chính. UBND xã 6 thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND xã 1 thủ tục hành chính và bãi bỏ 24 thủ tục hành chính. Đồng thời, phân định thẩm quyền giải quyết 346 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, trong đó chuyển thẩm quyền giải quyết lên cấp tỉnh là 18 thủ tục, chuyển xuống cấp xã 278 thủ tục hành chính và bãi bỏ 50 thủ tục hành chính. Như vậy, tổng số thủ tục hành chính sau khi phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền thì cấp tỉnh 2.161 thủ tục hành chính, cấp xã 463 thủ tục hành chính và bãi bỏ 74 thủ tục.

 

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, ngày 3/7, lãnh đạo các địa phương cho biết, từ ngày 1/7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp đã vận hành trơn tru, các công việc được tiếp nối, không gián đoạn, chính quyền gần dân và phục vụ người dân tốt hơn, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, chưa phát sinh các vướng mắc đáng kể. Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương đề nghị sớm có hướng dẫn việc triển khai các dự án lớn trên địa bàn. Chính quyền cấp xã hiện nay được phân cấp nhiều nhiệm vụ hơn, địa bàn rộng lớn hơn, do đó cán bộ phường cần được tập huấn kỹ hơn về kỹ năng, các phần mềm thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. “Phải đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt; không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc; đảm bảo chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người dân; không để các dự án đang triển khai tại các địa phương bị đứt gãy, gián đoạn”, Thủ tướng lưu ý.

Kết luận cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 4/7, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các công việc theo thẩm quyền của 2 cấp (tỉnh, xã) phải được thực hiện thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc, mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Trung tâm dịch vụ hành chính công phường Xuân Hòa và xã Tân Vĩnh Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát toàn bộ công tác phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã; đối với những xã, phường, đặc khu thiếu cán bộ chuyên môn, cấp tỉnh phải bố trí, tăng cường kịp thời, đầy đủ, hỗ trợ, giúp đỡ để bảo đảm thực hiện công việc hiệu quả.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tăng cường kiểm tra, nắm tình hình để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp xã khi vận hành bộ máy mới.

Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, nghỉ hưu sớm, thôi công tác theo hướng dẫn của Trung ương; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân nắm được những quy định mới và địa điểm, cách thức làm việc mới của các cơ quan nhà nước ở địa phương; củng cố và duy trì sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân đối với việc triển khai đơn vị hành chính 2 cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp tại phường Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan triển khai việc đưa đoàn viên thanh niên là sinh viên có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin của các trường đại học, cao đẳng, thanh niên tình nguyện hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân các xã, phường, đặc khu (nhất là vùng xa, vùng khó khăn) trong vận hành bộ máy, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính... trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình đơn vị hành chính 2 cấp.

Tổng Bí thư đề nghị Đảng ủy Chính phủ kiểm tra nắm chắc tình hình, thống kê đầy đủ kịp thời báo cáo Bộ Chính trị về tình hình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ công tác khi sắp xếp tổ chức và việc giải quyết chế độ chính sách theo quy định, đảm bảo đúng người, đúng việc, giữ được người có năng lực trình độ. Cùng với đó tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tổ chức mới và thường xuyên đôn đốc kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện các quy định về chức năng nhiệm vụ tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống cơ quan hành chính ở Trung ương và các địa phương.

Theo TTXVN