Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Trung Đông tiếp tục tăng

11/05/2020 - 14:22

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các nước Trung Đông tiếp tục tăng trong ngày 10-5.

Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân tại một trạm xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Mecca, Saudi Arabia ngày 7-4-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia (SPA) cho hay số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.912 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 39.048 ca. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 7 ca lên tổng cộng 246 ca và hiện còn 143 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Giới chức Saudi Arabia tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay tại nhà, như không dùng chung đồ cá nhân và duy trì giãn cách xã hội giữa các thành viên trong gia đình.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải Saudi Arabia thông báo đã chuẩn bị 5 sân bay để đón người dân từ nước ngoài trở về nước.

Tại Qatar, Bộ Y tế nước này thông báo đã có 1.189 ca nhiễm mới trong ngày 10-5, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 22.520 ca. Tổng số ca tử vong tại nước này là 14 ca. Hầu hết các ca nhiễm mới là người lao động nước ngoài. Những người này đã được cách ly sau khi tiếp xúc với các trường hợp được xác định nhiễm bệnh.

Tại Israel, Bộ Y tế thông báo đã ghi nhận 23 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.477 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 5 ca lên 252 ca.

Kể từ ngày 10-5, toàn bộ các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của Israel sẽ bắt đầu 2 tháng cách ly tại nhà, sau khi hoạt động huấn luyện được nối lại. Những cầu thủ này sẽ chỉ được phép rời khỏi nhà đi tập luyện và thi đấu. Theo kế hoạch, các trận đấu của giải bóng đá Israeli Premier League sẽ nối lại vào ngày 30-5 tới. 

Trong khi đó, Bộ Tài chính Israel đã đồng ý bảo đảm cho vay tới 80% số tiền trị giá 400 triệu USD để giải cứu hãng hàng không hàng đầu nước này là El Al. Để nhận được khoản vay bảo đảm này, El Al sẽ phải cắt giảm chi phí ở mức 50 triệu USD, trong khi các cổ đông phải bơm thêm 28,5 triệu USD cho công ty. El Al thành lập vào năm 1948, là doanh nghiệp nhà nước trước khi chuyển sang sở hữu tư nhân vào năm 2004. Sau khi dịch bệnh bùng phát, công ty đã phải ngừng phần lớn các chuyến bay, cho 6.000 nhân viên nghỉ không lương và tuyên bố đối mặt với nguy cơ phá sản.

Tại Iran, chính quyền đã áp đặt lệnh phong tỏa tại huyện Abadan, Tây Nam nước này, nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan. Thống đốc tỉnh Khuzestan Gholamreza Shariati khẳng định chính quyền phải áp dụng biện pháp trên sau khi số ca nhiễm tại tỉnh này đã tăng gấp ba và số người nhập viện đã tăng tới 60%, trong khi người dân không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Theo đó, các ngân hàng và văn phòng tại Abadan sẽ bị đóng cửa cho đến cuối tuần, các hành lang vào huyện này từ phía Bắc và phía Đông cũng sẽ bị đóng cửa. Chính quyền sẽ cho đóng cửa văn phòng và hạn chế đi lại tại 9 huyện khác của tỉnh Khuzestan. 

Iran, một trong những quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế để hỗ trợ nền kinh tế, vốn đang gặp nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt từ Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ mở cửa lại các trường học vào tuần này. Tuy nhiên, giới chức y tế Iran đã cảnh báo điều này có thể khiến số ca nhiễm tăng mạnh.

Với 51 ca tử vong trong ngày 10-5, đến nay Iran có tổng cộng 6.640 ca tử vong kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 19-2 vừa qua. Cũng trong 24 giờ qua, Iran đã phát hiện 1.383 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 107.603 người.

Theo Báo Tin Tức