Sống ở quê những ngày giãn cách xã hội

13/08/2021 - 07:04

 - Những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân sống ở vùng thôn quê cảm thấy may mắn hơn rất nhiều so với bà con ở thành phố. Bởi, họ vẫn ngày ngày sống bên thửa ruộng, mảnh vườn, trong không khí thoáng đãng của làng quê, vốn dĩ không xô bồ, náo nhiệt như chốn thị thành.

Nhờ có rau, quả nhà trồng mà người dân ở quê hạn chế đi chợ, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch

Ở quê, hầu như gia đình nào cũng có khoảng đất trống xung quanh nhà. Diện tích có thể không lớn, chỉ vừa đủ trồng vài luống cải ngọt, cải xanh, rau mồng tơi, rau muống hay làm giàn mướp, bầu… đủ cung cấp rau xanh cho bữa cơm hàng ngày. Người ở quê, có mảnh vườn, ngoài cây ăn trái còn tận dụng diện tích mặt đất thả thêm dây bí, trồng thêm gốc cà, giàn dưa leo... Sáng sớm, chỉ cần dạo quanh ra vườn là có ngay mớ rau ngon, tươi xanh bổ sung dưỡng chất cho bữa cơm gia đình, có thêm sức khỏe vượt qua dịch bệnh.

Vậy rồi, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhờ có rau, quả trong vườn mà nhiều gia đình không cần phải đi chợ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Xem tin tức thời sự, nghe người thành phố thiếu rau xanh, trái cây tươi, bà con ở quê cứ tiếc nuối: “Phải chi gửi được cho bà con là gửi liền, ăn lấy thảo với người quê mình”! Trước đó, bà Lê Thị Đầy (xã Kiến An, huyện Chợ Mới) ủng hộ cả rẫy rau cải thìa của mình cho “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng” ở địa phương. Theo bà Đầy, vận chuyển khó khăn nên giá rau, cải ở tại rẫy rẻ lắm, giá bán chỉ vài ba ngàn đồng/kg, thấy vậy tôi chia cho bà con ăn còn có cái tình, cái nghĩa.

“Ở quê mình có khó khăn thì còn vườn rau, mương cá, dễ dàng kiếm được bữa ăn qua ngày. Còn người dân ở TP. Hồ Chi Minh thì dịch bệnh làm người dân mất việc, cái gì cũng phải mua, tiền đâu mà xài, đồ đâu mà ăn uống… Bởi vậy, có chuyến xe nào chuyển đi được, tôi cũng như bà con ở đây sẵn lòng hỗ trợ hết mình, san sẻ nhau lúc khó khăn” - bà Đầy chia sẻ.

Còn thầy Phạm Thành Lẫm (giáo viên tổng phụ trách đội Trường THCS Long Phú, phường Long Phú, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) thì tận dụng thời gian giãn cách xã hội để cải tạo, mở rộng vườn rau cho các em học sinh. Đây là mô hình giúp các em học tập thông qua trải nghiệm và là “Vườn rau gây quỹ giúp bạn” của trường, hoạt động có hiệu quả suốt 3 năm nay.

Đợt này, thầy Lẫm có nhiều thời gian, nên hàng ngày ra sức cuốc đất, trộn đất, ươm cây giống, trồng rau… Vườn rau còn được thầy Lẫm lên phương án thiết kế thêm vườn hoa, vừa đẹp mắt, vừa thu hút thiên địch có lợi. “Dịch bệnh ảnh hưởng và thêm giãn cách xã hội, mình tận dụng thời gian vào trường chuẩn bị trước cho các em. Hệ thống nhà lưới sử dụng một thời gian nên hư, giờ mình thay mới, cải tạo, để đầu năm học mới các em có những tiết học trải nghiệm thực tế hiệu quả” - thầy Lẫm giải thích.

Những ngày giãn cách xã hội, người dân ở các địa phương chuẩn bị rau, cải ủng hộ bà con ở các khu cách ly, phong tỏa…

Năm nay, những ngày nghỉ hè của học sinh rơi vào thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19, nên em Nguyễn Thành Phát (phường Long Phú, TX. Tân Châu) ít được tham gia các hoạt động hè của trường và địa phương dù có kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, mùa hè năm nay là mùa hè mang ý nghĩa với Phát, khi em tham gia cùng gia đình, hàng xóm chuẩn bị những thực phẩm, rau xanh tặng cho khu phong tỏa ở địa phương.

Ba của Phát là thương lái chuyên thu mua rau, cải ở địa phương, vừa ngay lúc này ở gần xóm cũng có một khu phong tỏa, nên mọi người trong gia đình bàn bạc giúp đỡ bà con bằng cách ủng hộ rau, cải mỗi ngày. Vậy là hơn 10 ngày nay, ba của Phát phụ trách đi mua rau, cải và tập kết ở nhà, các cô, dì gần xóm sẽ tới lựa, phân loại và cho vào từng túi ny-lon để chở đến tặng khu phong tỏa.

“Em tham gia cùng mọi người, thực hiện công việc ý nghĩa, san sẻ với người dân mùa dịch bệnh, thật sự rất vui. Số rau, cải mỗi ngày tặng cho khu phong tỏa, có phần mua, có lúc người ta bán rẻ rồi có khi cho luôn, vì nghe nói mình làm từ thiện. Em cảm thấy tự hào về dân tộc mình, lúc khó khăn, mọi người đều góp sức cùng chia sẻ với nhau” - Thành Phát bày tỏ.

Ở quê, nhà ở phía trước, còn phía sau là vườn, ruộng. Bởi vậy, giãn cách xã hội thì cuộc sống không có nhiều thay đổi hay ảnh hưởng, chỉ trừ những gia đình đang vào mùa thu hoạch nông sản thì “đứng, ngồi không yên”, do vận chuyển khó khăn, hàng hóa khó lưu thông, mất giá. Thay vì bán giá rẻ, bà con  sẵn lòng quyên góp nông sản của mình cho những “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” ở địa phương hay những “Chuyến xe nghĩa tình” chuyển nông sản tặng người dân TP. Hồ Chí Minh.

Người ở quê là những nông dân “tay lấm chân bùn” nhưng luôn giàu nghĩa tình, hào sảng đúng bản chất người miền Tây. Còn những gia đình có con, cháu đi làm xa ở những tỉnh, thành phố khác mỗi ngày cũng đều trao đổi qua điện thoại, động viên nhau vượt qua khó khăn, giữ gìn sức khỏe. Nếu đường vận chuyển ngay tuyến xe lưu thông được thì soạn mớ đồ quê gửi lên cho con cháu, dặn dò hạn chế ra đường, chấp hành quy định phòng, chống dịch…  

ÁNH NGUYÊN