Sri Lanka căng thẳng trước khi bầu chọn tổng thống mới

19/07/2022 - 08:10

Quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe hôm 18-7 ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép ông có thêm quyền lực trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối khủng hoảng kinh tế vẫn diễn ra.

Ông Wickremesinghe trở thành quyền tổng thống ngày 15-7, tức 2 ngày sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy khỏi đất nước và từ chức. Theo Reuters, Quốc hội trong ngày 20-7 dự kiến bỏ phiếu chọn tổng thống mới để làm phần còn lại của nhiệm kỳ mà ông Gotabaya Rajapaksa từ bỏ.

Giới lãnh đạo Sri Lanka đã phải áp đặt tình trạng khẩn cấp vài lần kể từ tháng 4, thời điểm người dân bắt đầu xuống đường phản đối cách thức chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng. Các quy định khẩn cấp trước đây được sử dụng để triển khai quân đội và trấn áp làn sóng biểu tình.

An ninh được thắt chặt tại thủ đô Colombo – Sri Lanka trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới tại quốc hội, dự kiến diễn ra ngày 20-7 Ảnh: REUTERS

Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Vào tháng rồi, nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vỡ nợ nước ngoài trong vòng 20 năm. Giới chức Sri Lanka đang thương thảo với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói giải cứu trị giá 3 tỉ USD. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đã bị đình trệ do bất ổn chính trị.

Trong lúc chờ đàm phán nối lại, nhiều người dân Sri Lanka đang đối mặt tình trạng thiếu nhu yếu phẩm giữa lúc lạm phát tăng khoảng 50% và giá thực phẩm cao hơn 80% so với 1 năm trước đó.

Tổng Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva hôm 16-7 nhận định các nước khác cũng có nguy cơ gặp rắc rối tương tự Sri Lanka. Theo bà, cuộc khủng hoảng này đã phát đi tín hiệu cảnh báo rằng các quốc gia đang mắc nhiều nợ và có "không gian chính sách hạn chế" sẽ phải đối mặt thêm sức ép và rủi ro.

Theo ANH THƯ (Người lao động)