Sri Lanka có thể vỡ nợ lần đầu tiên trong tuần này

16/05/2022 - 18:45

Sri Lanka đang rơi vào hoàn cảnh vỡ nợ không thể tránh khỏi khi thời gian ân hạn đối với hai trái phiếu nước ngoài sắp kết thúc.

Người dân đem các bình gas rỗng ra chặn đường để phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu và khí đốt ở thủ đô Colombo của Sri Lanka ngày 13/5. Ảnh: AFP

Quốc đảo này có thể chính thức bị tuyên bố vỡ nợ nếu không thanh toán lãi suất cho các trái chủ trước ngày 18/5, khi thời gian ân hạn 30 ngày đối với các trái phiếu bằng đô la Mỹ kết thúc. Sự kiện này sẽ đánh dấu lần vỡ nợ đầu tiên của Sri Lanka. 

Hãng Bloomberg đưa tin hồi giữa tháng 4, Chính phủ Sri Lanka tuyên bố ngừng trả nợ nước ngoài để bảo toàn lượng tiền mặt cho việc nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu. Trước đó, Sri Lanka đã phải kiểm soát vốn và hạn chế nhập khẩu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ngoại hối trầm trọng.

Vài ngày sau đó, Sri Lanka không thể trả món nợ trái phiếu trị giá 78 triệu đô la Mỹ đáo hạn vào năm 2023 và 2028, dẫn đến việc tổ chức S&P Global Ratings tuyên bố quốc gia này đã vỡ nợ có chọn lọc.

Ông Carlos de Sousa, một nhà quản lý tài chính tại Vontobel Asset Management ở Zurich, cho biết: “Nếu không đạt được một thỏa thuận, Sri Lanka sẽ vỡ nợ chính thức. Về mặt pháp lý thì điều đó quan trọng. Nhưng đối với các thị trường, Sri Lanka trên thực tế đã vỡ nợ, vì vậy tác động về giá của sự kiện này sẽ không đáng kể”. 

Hôm 16/5, các trái phiếu bằng đồng USD đáo hạn năm 2029 của Sri Lanka đã giảm 1,2% xuống còn 38,7 xu so với đồng đô la Mỹ, sau khi chạm mức thấp nhất mọi thời đại là 37 xu vào tuần trước. Theo JPMorgan Chase & Co, các nhà đầu tư yêu cầu lợi nhuận cao hơn để giữ trái phiếu qua Kho bạc Mỹ ở mức 37 điểm phần trăm.

Mặc dù vụ vỡ nợ của Sri Lanka đã được nhiều nhà đầu tư dự đoán, nhưng nó vẫn có ý nghĩa quan trọng. Nhiều trái phiếu của Sri Lanka có điều khoản vi phạm chéo nên sẽ kéo tất cả các khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ chưa thanh toán khác vào tình trạng vỡ nợ. Đối với khoản nợ nước ngoài đến hạn vào năm 2023 và 2028, điều khoản vi phạm chéo sẽ được kích hoạt nếu như có bất kỳ khoản thanh toán nào vượt quá 25 triệu USD không thể chi trả được.  

Nhiều tháng nay, Sri Lanka đã rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng vì thiếu điện, thiếu lương thực và đồng tiền rơi tự do. Điều này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình và khiến Thủ tướng Mahinda Rajapaksa phải từ chức.

Anh trai của ông là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã chỉ định nghị sĩ đối lập Ranil Wickremesinghe  nắm quyền điều hành chính phủ nhằm nỗ lực mang lại một phương thức ổn định cho đất nước.

Tính đến sáng 16/5, quốc gia Nam Á này vẫn chưa bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nandalal Weerasinghe dọa sẽ từ chức nếu nền chính trị của nước này không sớm ổn định trở lại. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 4, ông Weerasinghe tuyên bố vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Ông nói rằng nước này không có tiền để trả cho các chủ nợ.

Sri Lanka hiện chỉ còn chưa đầy 50 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng. Ngày 16/4, trong một tuyên bố với dân chúng trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Điện và Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cho biết sẽ sớm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước. Với việc nước này đã tiếp nhận một chuyến tàu chở dầu diesel vào hôm 15/6 và ba tàu chở nhiên liệu nữa sẽ đến vào thời gian tới, mặt hàng này sẽ được cung cấp đầy đủ trên toàn quốc.

Ông cũng yêu cầu người dân không xếp hàng hoặc đổ đầy nhiên liệu trong ba ngày tới cho đến khi việc đưa hàng tới các điểm bán xăng dầu được hoàn tất. 

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)