Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2013 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.
Tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập
Sau gần 10 năm thực hiện, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai năm 2013 (Luật Đất đai) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, có nguyên nhân là do các quy định của Luật Đất đai hiện hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, còn chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan khác hoặc không phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.
Báo cáo Kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chỉ rõ một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với một số luật có liên quan.
Thứ nhất, Luật Đất đai chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại không được Luật Đất đai quy định, mà chỉ đề cập quyền đại diện của chủ sở hữu đất đai là Nhà nước.
Thứ hai, Luật Đất đai chưa định chế rõ ràng, làm nổi bật vai trò của đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước trong các quy định về quản lý và sử dụng đất. Có nghĩa là tiếp cận các quy định về quản lý và sử dụng đất của đạo luật này chưa thấy rõ những quy định về quản lý với tư cách đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia; chưa thấy rõ ràng, đầy đủ các quy định về sử dụng đất với vai trò là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Thứ ba, Luật Đất đai chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai. Chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai; giá trị tăng thêm của đất (địa tô chênh lệch) chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên; vi phạm về đất đai, khiếu kiện về đất đai còn phức tạp.
Thứ tư, thực tiễn yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như việc Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhiều vấn đề mới, cấp bách nhưng chính sách phát triển đất đai chưa kịp thể chế hóa.
Bên cạnh đó, hiện còn tình trạng chưa thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Qua giám sát Luật Đất đai cũng cho thấy, còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập trong những quy định: về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai, về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai, về quyền sử dụng đất đai của cộng đồng dân tộc thiểu số, về tham vấn người dân trong lĩnh vực đất đai...
Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, ngày 8/10.
Sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm "lấy người dân là trung tâm"
Đối tượng chịu sự tác động của Luật Đất đai rất rộng, do vậy Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng việc tổ chức sửa đổi Luật Đất đai 2013 phải được thực hiện công phu, nghiêm túc, toàn diện, triệt để, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc "lấy người dân là trung tâm" bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong các quy định của luật, nhằm hiện thực hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; bảo đảm thực hiện hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Do đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sửa đổi, bổ sung luật Đất đai năm 2013 và đồng bộ, thể chế những nội dung mới qua hoạt động giám sát mà MTTQ Việt Nam đề xuất, kiến nghị, hoàn thiện khung pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy tốt nhất nguồn lực của đất theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các đạo luật; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội vào cuộc sớm, đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng luật, chuẩn bị việc thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi chủ động, chất lượng.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tích cực chuẩn bị nội dung sửa đổi, bổ sung, làm rõ những vấn đề có ý kiến khác nhau; tổ chức các hình thức tọa đàm, trao đổi, lấy ý kiến rộng rãi để đạt sự đồng thuận cao. Chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác nghiên cứu, tổ chức sửa đổi Luật Đất đai; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm huy động hiệu quả trí tuệ tập thể, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đáng chú ý, một trong những nội dung kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là sửa đổi, hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi và sinh kế của người dân; thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoàn thiện các quy định để góp phần giảm thiểu các khiếu kiện về đất đai, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.
Bổ sung thêm quy phạm pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể về hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về đất đai trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của quyết định ban hành, có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra thường xuyên và đột xuất để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các quyết định hành chính mà mình đã ban hành trong phạm vi địa phương mình quản lý liên quan đến đất đai.
Theo TRỊNH DŨNG (Nhân Dân)