Thành phố Mumbai đã tăng thêm 9 triệu dân trong vòng ba thập kỷ qua. Ảnh: AFP
Hãng AFP đưa tin Mumbai là một trong những đô thị lớn nhất của Ấn Độ. Dân số Mumbai đã tăng thêm khoảng 8 triệu người trong 30 năm qua - tương đương với toàn thành phố New York - lên mốc 20 triệu người hiện nay, và được dự báo sẽ tăng thêm 7 triệu người nữa đến năm 2035.
Giống như các siêu đô thị khác của Ấn Độ, cơ sở hạ tầng quản lý nhà ở, giao thông, nước sạch và chất thải của Mumbai phát triển không theo kịp với tỷ lệ dân số đông đúc. Khoảng 40% người dân sống trong các khu ổ chuột.
Mặc dù, nằm sát cạnh một số khu dân cư giàu có nhất của Ấn Độ, những dãy nhà ổ chuột lụp xụp thường không có nước, điện và không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.
Khi dân số thế giới sắp sửa chạm ngưỡng 8 tỷ người vào giữa tháng này với phần lớn gia tăng là tại các nước đang phát triển, tình huống khó khăn về cơ sở hạ tầng như ở Mubai có thể sẽ xuất hiện trên toàn cầu.
Hàng ngày, những người sống ở ngoại ô Mumbai mất nhiều giờ liền di chuyển để đến nơi làm việc. Họ chen nhau bám vào cửa của những toa tàu chật cứng. Những người khác thì tự lái ô tô hoặc xe máy trên những con đường đầy ổ gà, tắc nghẽn và ngập úng.
Hành khách đu bám bên ngoài một toa tàu hỏa quá tải ở Mumbai. Ảnh: AP
Khu ổ chuột lớn nhất của Mumbai là Dharavi, nơi tập trung hàng triệu người sinh sống trong điều kiện tồi tàn. Anh Mohammed Sartaj Khan rời vùng quê Uttar Pradesh đến đây tìm việc từ khi còn là một thiếu niên. Hiện anh làm việc tại một xưởng thuộc da.
"Thời thơ ấu ở quê hương của tôi thật tuyệt vời. Môi trường yên bình không giống như đám đông ở đây. Nhưng ở quê thì không làm ra tiền", anh Khan, hiện 35 tuổi, chia sẻ với hãng thông tấn AFP.
Anh kể rằng: "Khi đến đây, tôi thấy người chạy như kiến. Những con kiến cứ thế đi trong làn đường của mình bất chấp đám đông. Không ai quan tâm đến người khác”.
Thời gian đầu, anh kiếm được 6.000 rupee (70 USD) một tháng ở Mumbai, nhưng giờ mức thu nhập đã tăng gấp 4 lần số tiền đó, phần lớn anh gửi về cho vợ con.
Liên hợp quốc dự đoán dân số Ấn Độ sẽ tăng từ 1,4 tỷ người hiện tại lên 1,7 tỷ người vào những năm 2060, vượt qua cả Trung Quốc, trước khi giảm trở lại 1,5 tỷ người vào đầu thế kỷ tới.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2040, các thành phố của Ấn Độ sẽ có thêm 270 triệu người sinh sống, khiến lượng khí thải carbon từ sản xuất và giao thông vận tải cũng như từ việc sản xuất thép và bê tông để làm nhà ở tăng mạnh.
Tình trạng quá tải, cơ sở hạ tầng kém chất lượng và ô nhiễm không khí, nước và tiếng ồn nghiêm trọng là một phần của cuộc sống hàng ngày ở các siêu đô thị của Ấn Độ.
Một báo cáo của chính phủ năm ngoái cho biết khoảng 70% trong số hàng tỷ lít nước thải thải ra ở các trung tâm đô thị mỗi ngày không được xử lý.
Vào mỗi mùa đông, thủ đô New Delhi, nơi sinh sống của 20 triệu người, lại chìm trong ô nhiễm không khí độc hại. Theo nghiên cứu của tạp chí y khoa Lancet, tình trạng này đã gây ra gần 17.500 ca tử vong sớm vào năm 2019.
Hàng triệu người ở các thành phố của Ấn Độ không có nước sinh hoạt thường xuyên và phải lệ thuộc vào các xe tải hoặc tàu hỏa chở nước. Người dân ở Delhi và các nơi khác đang đào giếng sâu hơn nữa, bất chấp mực nước ngầm đã giảm xuống.
Thành phố Chennai ở Đông Nam Ấn Độ đã cạn kiệt nước vào mùa hè năm 2019. Cuộc khủng hoảng này được cho là do lượng mưa thấp và đô thị hóa xâm lấm vào các vùng đầm lầy trước đây.
Mặt khác, tình trạng ngập lụt ở đô thị lại xảy ra ngày càng thường xuyên. Trung tâm công nghệ Bengaluru là nơi có những điểm tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất của Ấn Độ. Thành phố này đã chứng kiến tình trạng ngập lụt vào tháng 9 vừa qua do vấn nạn xây dựng trái phép.
Theo dự báo, thảm họa thiên nhiên sẽ gây ra ngày càng nhiều khốn khó cho các thành phố của Ấn Độ trước tình hình khí hậu toàn cầu ấm lên và khiến thời tiết trở nên bất ổn hơn.
Các nhà khoa học cho rằng mùa mưa hàng năm đang trở nên thất thường hơn và mạnh hơn, gây ra nhiều lũ lụt và hạn hán hơn.
Nhiệt độ tăng cao khiến mùa hè ở Ấn Độ trở nên thiêu đốt hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đầy bê tông. Năm nay, Ấn Độ đã trải qua tháng 3 nóng nhất trong lịch sử.
Và mặc dù dịch COVID-19 không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu ổ chuột của Ấn Độ như một số người lo ngại, nhưng tình trạng quá tải đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra các dịch bệnh mới trong tương lai.
Chuyên gia Poonam Muttreja tại Tổ chức Dân số Ấn Độ nhận xét rằng đầu tư nhiều hơn vào kinh tế nông thôn có thể giúp ngăn chặn tình trạng người dân di cư đến thành phố .
Theo ông Muttreja, chính những người nghèo, đặc biệt là người di cư ở các thành phố lớn, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu, cho dù đó là sự thay đổi về thời tiết, lũ lụt, hay mất việc làm và thiếu cơ sở hạ tầng. Ông cho rằng quốc gia này cần khẩn trương thay đổi tình trạng trên.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)