Tại phiên họp tháng 12/2017, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của người dân vùng đất Tổ, mà còn là dấu mốc khẳng định thành quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa. Đồng nghĩa với việc tỉnh Phú Thọ đã đi trọn 6 năm để hoàn thành hành trình đưa Hát Xoan Phú Thọ thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Trình diễn Hát Xoan Phú Thọ. (Ảnh: Báo NLĐ)
Trong tiết trời se lạnh kèm một chút mưa phùn dịp cuối năm, chúng tôi về vùng đất Kim Đức, thành phố Việt Trì - nơi phát tích làn điệu Hát Xoan cổ xưa tìm gặp Trùm phường Xoan Phù Đức Lê Xuân Ngũ.
Trong nhà bày vô số bức ảnh chụp cụ đang biểu diễn Hát Xoan, Bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú, những kỷ niệm chương và bằng khen, giấy khen được treo nơi trang trọng nhất.
Trùm Ngũ là một trong số ít những nghệ nhân còn mang trong mình niềm say mê Xoan cổ và có khả năng hát những điệu Xoan nghi lễ cổ xưa. Năm nay trùm Ngũ bước sang tuổi 80, với bộ râu trắng như cước, ngồi trầm ngâm ôn chuyện Hát Xoan và những thăng trầm kể từ khi bén duyên với hát Xoan – một loại hình Nghệ thuật truyền khẩu độc đáo của vùng đất Tổ.
Dường như số phận đã định cho cụ Ngũ cái nghiệp Hát Xoan, cụ hát Xoan từ khi tóc còn để chỏm đến tận bây giờ. Trước đó, ông nội, rồi ông cụ thân sinh ra cụ Ngũ đều là trùm phường Xoan, tuổi thơ của cụ đã thấm đẫm trong những làn điệu đặc sắc của hát Xoan.
Từ khi được học Hát Xoan, cụ thuộc tất cả các làn điệu hát, múa, đánh trống, gõ phách và đã biểu diễn thành thục các làn điệu Xoan từ rất sớm. Cụ Ngũ kể: Trong những năm chiến tranh, nghệ thuật Hát Xoan tưởng chừng như không có cơ hội để biểu diễn, nhưng cụ vẫn quyết tâm khôi phục lại phường Xoan bằng cách truyền dạy cho con, cháu trong nhà, rồi lan rộng ra người dân trong làng.
Trùm Ngũ rất khắt khe trong việc dạy hát Xoan, từng động tác, từng câu hát được rèn đi rèn lại, ngày này qua ngày khác, để chất Xoan dần dần ngấm vào tâm hồn của người học. Đó cũng là cách cụ truyền lại những tinh hoa riêng của phường Xoan Kim Đức.
Nghệ nhân ưu tú Lê Xuân Ngũ chia sẻ: "May mắn cho tôi là khi sinh ra bố tôi là trùm hát Xoan ông Lê Văn Chức để lại cho tôi quyển chữ Nôm thì đến năm 1957 ông Nguyễn Khắc Xương về bảo các cụ dịch sang chữ quốc ngữ để chúng tôi học.”
Nỗ lực của cụ Lê Xuân Ngũ cùng nhiều nghệ nhân khác càng làm cho hát Xoan Phú Thọ có sức sống mãnh liệt, lan tỏa trong đời sống người dân Phú Thọ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Việc hát Xoan được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng nhân thêm niềm vui trong dịp Xuân về Tết đến.
Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, có ba yếu tố quan trọng giúp hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, thứ nhất, chỉ trong vòng sáu năm (từ năm 2011 đến 2017), các nghệ nhân đã đào tạo thêm nhiều thế hệ hát Xoan tại cộng đồng với số lượng đông đảo. Thứ hai, câu lạc bộ hát Xoan liên tiếp được thành lập, cho thấy ý thức phát triển và bảo tồn giá trị di sản của người dân địa phương. Thứ ba, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi các ngôi đình, miếu - không gian thực hành hát Xoan cổ.
"Chúng ta rất tự hào đây là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp lần đầu tiên trên thế giới được công nhận chuyển đổi sang di sản văn hoa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua việc công nhận này, hình ảnh của Việt Nam văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa Việt Nam nói chung và di sản của vùng đất Tổ thời đại Hùng Vương của chúng ta tiếp tục được quảng bá với bạn bè thế giới hiểu hơn về Việt Nam thông qua những di sản văn hóa này”, ông Hà Kế San nói.
Có dịp về các làng Xoan, đặc biệt là trong dịp đầu xuân hay Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, đến các di tích như đình Thét, Miếu Lãi Lèn, đình An Thái... ở đâu cũng có thể bắt gặp nhóm các đào tuổi chừng mười sáu, đôi mươi mặc áo tứ thân mầu nâu non, đầu vấn khăn mỏ quạ đang múa hát cùng các kép mặc áo the dài, quần lụa trắng...
“Ngồi rồi dệt gấm thêu hoa
Thêu chim loan phượng
Ta bớ ru hời
Qua ngõ ta thêu...”
Khi các làn điệu hát Xoan ngân lên là lúc mọi người quên đi khoảng cách ranh giới giữa người hát và người xem hát, tất cả nắm tay nhau lần theo tiếng hát của phường Xoan, tình tứ:
“Huê lúa mùa này nó chưa nở
Để một mai nó nở, thiếp lại bẻ cho chàng
Sợ chàng chẳng yêu, sợ chàng chẳng dấu
Để huê nụ héo, huê hời huê hỡi là huê...”
Đây cũng là yếu tố để hát Xoan trường tồn mãi trong cộng đồng, làm cho cộng đồng càng gắn kết, bền chặt hơn và ngược lại, thông qua cộng đồng càng làm cho hát Xoan có sức lan tỏa mãnh liệt.
Nối tiếp điệu Hát Xoan, vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính, ngày nay, Hát Xoan đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng Đất Tổ, gắn kết cộng đồng và lan tỏa, nhân lên những nét đẹp của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc Việt Nam.
Theo VĂN HÓA (VOV)