Tâm tình tháng 7 ở nghĩa trang liệt sĩ

26/07/2024 - 20:40

 - Mọi mất mát, hy sinh dần lùi xa theo năm tháng hòa bình, nhưng nỗi tiếc thương Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vẫn còn đau đáu trong lòng người đương thời...

Cứ đều đặn mỗi năm 2 lần, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), bà Huỳnh Thị Bé (67 tuổi, ngụ phường Nhà Bàng, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lại đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang (huyện Châu Thành), để viếng mộ phần em ruột của mình - liệt sĩ Huỳnh Văn Vinh.

Bà kể: “Em tôi đi bộ đội lúc 20 tuổi, nhập ngũ vào Sư đoàn 339 (Quân khu 9), tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Dự định, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, Vinh về quê lập gia đình, sống cuộc sống bình thường như bao thanh niên thời ấy. Thế nhưng, chưa được bao lâu gia đình đón nhận tin dữ: Em hy sinh khi cùng đồng đội đánh đuổi Polpot”.

“Giờ tuổi cao, sức yếu, nhưng còn đi được ngày nào, thì tôi vẫn còn tới lui thăm viếng mộ em mình, để cho nó bớt lạnh lẽo…” – bà Bé ngấn lệ, nén nhang chất chứa tâm tình.

Anh Nguyễn Mậu Thành (bìa phải, ngụ tỉnh Quảng Bình) cũng mang trong lòng câu chuyện thiêng liêng của gia đình. Từ sớm tinh sương, anh đã có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (TX.Tịnh Biên).

Đều đặn 2 năm/lần, anh và người thân từ Quảng Bình vào An Giang viếng mộ bác ruột Nguyễn Mậu Giáp (chiến sĩ Binh đoàn Hương Giang, hy sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia năm 1988).

Hồi ấy, cả làng có 4 thanh niên cùng trang lứa đi bộ đội, chỉ duy nhất ông Giáp xung phong vào Nam chiến đấu. Cả gia đình đâu ngờ, đó cũng là lần chia ly mãi mãi. Khi nhận được giấy báo tử của ông Giáp, cả nhà không tìm ra nơi an táng hài cốt. Năm 2008, đứa em trong gia đình tham gia Chiến dịch "Hè tình nguyện" ở tỉnh An Giang. Trời không phụ lòng người, cơ duyên ấy giúp họ tìm thấy nơi an nghỉ của ông Giáp.

Anh Thành nói: “Chúng tôi cảm ơn tỉnh An Giang thật nhiều. Bác tôi yên nghỉ nơi đây, chắc nơi chín suối cũng an lòng”. Tỉnh An Giang nói riêng, cả đất nước nói chung cũng gửi lời tri ân đến gia đình anh và mọi gia đình liệt sĩ, khi đã nén tình nhà, vì tình nước, cống hiến tất thảy cho hòa bình hôm nay.

Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc chứng kiến rất nhiều câu chuyện “sum họp” xúc động. Liệt sĩ Trần Văn Dũng (sinh năm 1944, ngụ xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn) hy sinh ngày 17/4/1978. Gia đình hay tin, cố gắng đưa thi thể liệt sĩ về an táng tại quê nhà.

Nhưng sau thời gian loạn lạc, mộ phần của liệt sĩ bị mất dấu, suốt 60 năm ròng rã gia đình chẳng thể tìm ra. Mãi đến giờ, nhờ sự hỗ trợ của Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), họ lại tương phùng trong nỗi nhớ vỡ òa. Ông Trần Thanh Tùng (em ruột liệt sĩ Dũng) rưng rưng: “Anh ơi, mình về nhà!”.

Tháng 7, người thương binh ¼ Nguyễn Văn Đủ (ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) lặng lẽ viếng mộ đồng đội của mình, đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ gần đó.

“Tao cụt hai tay, nhưng còn sống là may mắn lắm. Dịp 27/7, đồng đội tụ họp lại, làm lễ giỗ liệt sĩ, tụi mày về chơi nha” – ông Đủ kể chuyện đời mình, chuyện chiến đấu ngày xưa trước mộ liệt sĩ Phạm Thanh Liêm, để gió thổi niềm tiếc thương quấn quýt đâu đây.

Bác Hồ dặn: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên, đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Viếng nghĩa trang liệt sĩ là một trong những hoạt động không thể thiếu của tháng 7 tri ân.

 Ngày 27/7 đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nghĩa tình, nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Thế hệ hôm nay nguyện bước tiếp con đường mà các Anh hùng liệt sĩ đã chọn. Sống, lao động và học tập thật tốt là cách tri ân tốt nhất, xứng đáng nhất với những hy sinh to lớn của lớp lớp tiền bối.

VẠN LỘC