Tâm tình xe bus

21/12/2018 - 07:15

 - Không ít người nghĩ giống tôi, rằng thời hoàng kim của xe bus đã qua rồi. Khi phương tiện giao thông cá nhân trở nên phổ biến, cần gì đến phương tiện giao thông công cộng như chiếc xe bus cũ kỹ, chậm chạp kia? Thế nhưng, xe bus vẫn lặng lẽ tồn tại, cần mẫn làm tròn sứ mệnh của mình, thân thuộc đến mức không thể nào biến mất được.

Ngày thường, khách ít đi, chiếc xe bus nhìn trống trải, buồn buồn, trơ mấy hàng ghế vắng người. Vậy mà đến ngày cuối tuần, lễ hoặc Tết, xe chật kín người, chỗ đứng còn không có, nói gì đến chỗ ngồi! Nào là người lao động đổ về quê; học sinh, sinh viên rủ nhau đi chơi xa; người ở nông thôn bắt xe ra thành thị mua sắm… Đa phần là khách bình dân, ưa chuộng giá vé rẻ và sự tiện lợi của tuyến đường xe bus chạy, không gấp gáp về thời gian. Mỗi lần xe ra, vào trạm, hết lượt khách này kéo lên, đến lượt khách khác xuống xe. Đoạn đường ngắn, người ta nhấp nhổm đợi tới trạm xuống, thay đổi vị trí đứng ngồi cho thoải mái hơn, nào có tâm tình trò chuyện, hỏi han người kế bên như đi xe khách đường dài. Trời nắng hanh hao, may mắn ngồi trên chiếc xe bus có máy lạnh thì đỡ. Nếu không, chỉ còn biết ngóng ra cửa sổ, mong gió lùa vào xua bớt oi nồng, mồ hôi. Đối với người lớn tuổi, xe bus mang đầy sự dân dã, vừa lạ vừa quen, gợi nhớ đến ký ức bắt xe đò hồi xưa. Còn đối với thanh, thiếu niên, xe bus chỉ đơn giản là loại phương tiện “buộc phải sử dụng” vì không còn cách di chuyển nào khác. Mỗi người mang một tâm thế khác nhau, phong phú và đa dạng như một xã hội thu nhỏ.

Những chuyến xe bus lặng lẽ đưa, rước khách

Như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1952, ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu). Mỗi lần ở quê có giỗ, bà nhờ con cháu chở ra trạm, đợi xe bus. Quãng đường chưa đầy 70km, nhưng mất mấy giờ đồng hồ mới đến nơi. “Tụi nhỏ bận bịu làm việc suốt. Vả lại, tôi còn khỏe, đi xe một mình không sao. Xe đò thì ít chuyến thuận đường, giờ giấc có khi sớm trễ, chạy nhanh vượt ẩu. Vì vậy, tôi thường đi xe bus hơn. Trễ chuyến này thì 15 phút sau lại có chuyến khác. Chỉ có mấy chục ngàn đồng tiền vé, tiết kiệm so với đi xe khách. Bù lại, xe bus phải ra, vào trạm, thời gian di chuyển lâu hơn. Nhưng tôi dư giả thời gian, thủng thẳng cũng tới chỗ” - bà Ngọc bộc bạch. Thời gian trên xe, bà nhớ tới chuyện nhà, nhớ đứa cháu ngoại, nhớ chuyện ở quê… Cẩn thận ôm giỏ đồ trong mình, bà cũng ôm cả tâm tình của người sống gần trọn cuộc đời trên suốt chuyến xe chẳng ngắn, chẳng dài. Tới trạm cuối cùng, bà cười hạnh phúc khi nhìn thấy người nhà ra đón!

 Khách có tâm tình của khách, nhân viên bán vé trên xe bus như chị Huỳnh Thị Yến Oanh (sinh năm 1978) cũng có tâm tình riêng của mình. Tết này nữa là tròn 14 năm chị gắn bó với nghề. Thu nhập ổn định, giờ giấc phù hợp, thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình, được công ty ưu đãi tốt, nên chị chưa từng có ý định rời xa nghề. “Lúc đầu, tôi cảm thấy rất mệt khi phải loay hoay bán vé trên xe. Khoảng 1 tuần sau, tôi có thể đi đứng, hoạt động thoải mái. Đối với tôi, nghề này không cực lắm, mà thú vị rất nhiều. Mỗi ngày, tôi làm 8 giờ theo tài. Trừ lúc đứng lên bán vé cho khách, nhắc họ trạm dừng sắp tới, phần lớn thời gian trên xe tôi có thể ngồi nghỉ. Ở mỗi đầu bến, tôi được nghỉ hơn 1 tiếng nữa. Khách đi xe đa phần là người nghèo hoặc điều kiện kinh tế hạn chế, như: công nhân, học sinh, sinh viên… Nhưng họ dễ mến, lịch sự lắm. Có em học sinh thường đi xe bus đến trường, sau này đi du học trở về cũng đi lại bằng xe bus. Học sinh nghèo, trẻ em bán vé số không đủ tiền đi xe bus, tôi cho các em “quá giang”. Một thời gian sau gặp lại, họ đều vui mừng chào hỏi tôi. Rồi có hành khách ở xa đến, muốn tìm địa chỉ ai đó, tôi sẵn sàng hướng dẫn, giải thích thêm cho họ: chỗ này là “mũi tàu”, chỗ này là “điện lực cũ”… Tôi nghĩ, mình đối xử tốt, nhã nhặn với hành khách thì họ sẽ đối xử với mình y như vậy. Dần dần, tôi có rất nhiều khách quen, ủng hộ tôi, giúp tôi có thêm doanh thu bán vé” - chị Oanh tâm sự.

Mỗi ngày, có vài trăm lượt xe bus chạy 12 tuyến trong toàn tỉnh, phục vụ 7-8 triệu lượt khách mỗi năm. So với 10 năm trước, số lượng khách giảm khoảng 20%, bởi sự phát triển của xã hội. “Tuy nhiên, các địa phương vùng sâu, vùng xa, 80% người dân (thường đi xe bus) sử dụng vé tháng. Giá vé các tuyến hiện nay từ 10.000 - 24.000 đồng, bằng 1/3 giá vé xe khách cùng tuyến. Hàng năm, chúng tôi đều tiến hành sửa chữa, nâng cấp xe, đảm bảo an toàn giao thông và vẻ mỹ quan cho xe. Xe bus chạy tối đa 60km/giờ, thường xuyên ra, vào trạm nên lưu thông chậm hơn các xe khác. Chúng tôi khắc phục bằng cách thông báo trước với hành khách trên xe, nếu trạm kế tiếp họ không xuống, không có khách đứng đón ở trạm, thì xe sẽ tiếp tục lưu thông, tiết kiệm thời gian. Vào dịp lễ, Tết, chúng tôi tăng chuyến, sử dụng hết công suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Sắp tới đây, rất mong tỉnh quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi để chúng tôi tiếp tục vận hành tốt hệ thống xe bus, nâng cấp phương tiện phục vụ hành khách tốt hơn nữa” - ông Lê Văn Sĩ (Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần Vận tải An Giang) chia sẻ.

Tôi tin rằng, dù thế nào đi nữa, nhiều năm sau, những chuyến xe bus công cộng sẽ vượt qua khó khăn về kinh phí, về độ cạnh tranh, cần mẫn ra, vào trạm, gắn bó với đời sống của người dân. Sẽ chẳng thể nào vắng bóng chiếc xe bus trên mọi nẻo đường…

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG