Tân Châu - điểm đến du lịch kỳ thú - Kỳ II: Thăm làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu

03/12/2020 - 04:50

 - Trước dịch bệnh COVID-19, các tour du lịch (DL) mang tên “Sông nước miệt vườn, “Một lần ghé làng Chăm”, “Về thủ phủ cá tra”… rất ăn khách. Nằm trong hành trình tour, du khách sẽ được ghé thăm làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu (An Giang). Đây là làng nghề có tuổi đời trên 100 năm. Sản phẩm Lãnh Mỹ A của làng nghề đã nổi tiếng khắp năm châu bốn biển.

Chuyện xưa

Làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Sản phẩm nổi tiếng của làng nghề là mặt hàng Lãnh Mỹ A. Nổi tiếng bởi nó mềm mại, dai, bền và độ hút ẩm cao. Lãnh Mỹ A được làm từ chất liệu tơ tằm tự nhiên nên vừa có giá trị về mặt mỹ thuật, vừa có giá  trị về mặt kinh tế, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các trang phục may từ lụa Tân Châu nói chung, Lãnh Mỹ A nói riêng đều mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, vì lẽ đó mà trong những năm đầu của thế kỷ XX, Lãnh Mỹ A trở thành “niềm mơ ước” của chị em phụ nữ.

Nghệ nhân dùng trái mặc nưa để nhuộm Lãnh Mỹ A

Bà Trần Thị Lãnh (năm nay 92 tuổi) là công nhân của một hãng dệt nổi tiếng trong làng cho biết, khi bà ra đời, vùng đất Tầm Phong Long này đã có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Chính sự phát triển rất sớm của nghề truyền thống này nên Tân Châu xưa kia rất thịnh vượng, có cả thương cảng sầm uất để dân trong vùng giao thương với thế giới bên ngoài. Sản phẩm tơ lụa từ đây theo đường tàu biển sang tận các quốc gia như: Indonesia, Ấn Độ, Singapore, Philippines, Pháp, Ý để phục vụ giới quý tộc, thượng lưu.

Giao thương thế giới sớm phát triển, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống con người tại các quốc gia này đã được các thương nhân đầu tiên của Việt Nam như: Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô (những người có đội tàu mạnh nhất Việt Nam thời đó) đưa về nước để phân phối ra toàn vùng. Chính từ đó mà ở Tân Châu, lĩnh vực thương mại - dịch vụ cũng sớm hình thành và phát triển cho đến nay.

Không gian trưng bày sản phẩm lụa Tân Châu của Cơ sở Dệt nhuộm Hồng Ngọc

Để có được 1m Lãnh Mỹ A hoặc vải gấm, quá trình sản xuất phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên phải trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ. Khi có tơ thì người thợ chọn tơ tốt để quay vào suốt chỉ rồi dệt thành miếng. Lãnh Mỹ A thời đó có 2 loại: khổ 8 tấc và 1m. Khi đã dệt nên những tấm vải, các thợ dệt sẽ xoay qua công đoạn nhuộm màu. Màu được chọn là màu đen, vì vậy để có màu đen bóng loáng, người thợ nhuộm phải dùng trái mặc nưa nhuộm cho vải rồi sau đó mang đi phơi. Vừa phơi, vừa nện để sản phẩm đẹp, bóng.

Lãnh Mỹ A của Tân Châu từ lâu đã gắn liền với tính cách của những thiếu nữ nết na, mỹ miều nhưng luôn đảm đang, tháo vác, yêu lao động. Những tính cách đó đến nay vẫn là niềm tự hào của những người phụ nữ ở An Giang. Hình ảnh đó đã đi vào thơ ca, nhạc họa với những câu thơ như: “Trai nào thanh bằng trai sông Của/ gái nào thảo bằng gái Tân Châu/ Tháng ngày dệt lụa trồng dâu/ Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn…”.

Chuyện nay

Ngày nay, đến với xứ lụa, du khách sẽ có được những khoảnh khắc được sống hòa mình cùng cộng đồng, thiên nhiên để khám phá nét văn hóa, con người, khám phá về một vùng đất xưa nay rất nổi tiếng.

Tại đây, trong không gian náo nhiệt của một làng nghề, du khách sẽ cảm nhận được sự thân thiện, hiếu khách của những nghệ nhân, công nhân trong làng nghề; có thể hòa mình cùng các anh, các chị trải nghiệm các hoạt động mang tính thường nhật như: hái trái mặc nưa mang về nhuộm vải, ngồi cùng thợ dập hàng để biết được nỗi khổ cực của người thợ dệt hay cùng các mẹ, các dì uống trà, nghe đọc thơ, hò vè về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa….

“Thời của tôi, chị em phụ nữ nào may được bộ đồ bằng Lãnh Mỹ A thì xem như sang trọng lắm. Ngay cả vải “xá xị Xiêm”, một loại lụa Thái Lan nức tiếng thời đó cũng không thể sánh bằng. Lãnh Mỹ A đã từng được giới hoàng tộc, thượng lưu của các quốc gia phát triển ưa chuộng…”- bà Lãnh cho biết thêm.

Khách du lịch tìm mua sản phẩm của làng nghề

Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải cho biết, làng tơ lụa Tân Châu đã được nhà nước công nhận là nghề truyền thống vào ngày 24-5-2007. Từ đó đến nay, nhà nước luôn có nhiều chính sách hỗ trợ cho các cơ sở trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ, gắn hoạt động làng nghề với DL để các cơ sở cùng nghệ nhân tiếp tục phát triển, vươn ra hội nhập.

Với sự tiếp sức trên, nhiều chủ hãng dệt đã nhanh chóng khôi phục lại ngành nghề truyền thống của ông cha, cụ thể tổ chức trồng lại cây mặc nưa, sửa lại khung dệt, thuê nhân công có tay nghề cao để phát triển ngành hàng. Đi đầu trong công tác này có gia đình ông Tám Lăng, gia đình bà Lê Thị Kiều Hạnh ở phường Long Châu.

Nếu gia đình bà Hạnh phục hồi và phát triển làng nghề theo hướng vừa tạo ra sản phẩm có giá trị, vừa kết nối tour, tuyến tham quan DL để bán hàng thì gia đình ông Tám Lăng lại nghiên cứu làm cho Lãnh Mỹ A có thêm nhiều màu sắc, tạo cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn và sản phẩm thêm phong phú, đa dạng. Từ thành công này, nhà tạo mẫu thời trang Võ Việt Chung đã chọn dòng sản phẩm Lãnh Mỹ A làm chất liệu chính cho đề tài tốt nghiệp của mình tại Ý.

Và cũng từ chất liệu này, nhiều bộ sưu tập do Võ Việt Chung sáng tác đã được trình diễn khắp thế giới, từ đó làm cho Lãnh Mỹ A tiếp tục hồi sinh và phát triển. Tân Châu, thật sự là điểm đến DL kỳ thú, bởi tại đây, ngoài thăm làng Chăm, làng nghề truyền thống tơ lụa, du khách còn được thăm “Thủ phủ” cá tra giống, trải nghiệm văn hóa tâm linh, tìm hiểu lịch sử của một vùng đất và nhiều sản phẩm DL khác.

“Hiện nay, mặt hàng Lãnh Mỹ A sản xuất từ tơ tằm tự nhiên rất được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là khách DL. Ngoài mua để mặc, sản phẩm còn được dùng làm quà tặng rất có giá trị. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nguồn khách DL không còn, để duy trì sản xuất, cơ sở đã chuyển sang dệt các mặt hàng gấm, đưa đi tiêu thụ trong nước…” - bà Lê Thị Kiều Hạnh (chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc, TX. Tân Châu) chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN – YẾN NGỌC