Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đang có những lợi thế lớn về thuế quan nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Điển hình, đối với ngành dệt may, trong vòng 4 năm qua, kim ngạch xuất khẩu đã tăng gần gấp đôi. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, ngành dệt may phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ nguyên liệu, nếu không đạt được yêu cầu này sẽ không thể xuất khẩu vào EU theo EVFTA và hưởng lợi về thuế quan.
Tính đến tháng 11-2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 FTA, trong đó 16/19 FTA đã có hiệu lực với các đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Những tác động tích cực từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của cộng đồng DN nói riêng đã được minh chứng rõ nét thời gian qua. DN Việt Nam đã từng bước tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan để tăng trưởng xuất khẩu, thông qua dòng vốn đầu tư và nhập khẩu theo các FTA để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao trình độ khoa học, nắm bắt những cơ hội mới. Dù vậy, trong khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ dần thì các nước lại gia tăng rào cản phi thuế quan thông qua tăng cường những rào cản kỹ thuật khắt khe, đặt ra nhiều thách thức với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ, khi hàng rào thuế quan được tháo bỏ hoặc về rất thấp nhờ những FTA thì các quốc gia lại áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật, trong đó có những quy trình rất khó, rất cao của các nước phát triển.
Không khó để nhận thấy hàng loạt quy định mới từ các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian gần đây. Những đối tác của Việt Nam không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu, gồm: Quy định về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm... Các hàng rào phi thuế quan này đặt ra nhiều thách thức bắt buộc hàng hóa Việt Nam phải tuân thủ.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ, Thái Bình. Ảnh: TRỊNH DUẨN |
Có chương trình hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm
Việc đàm phán thành công và tham gia vào các FTA là cơ sở đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bệ phóng để đưa các DN ra với sân chơi quốc tế rộng lớn. Để tận dụng được lợi thế từ các FTA đem lại, DN phải thích ứng để đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt của thị trường quốc tế. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của DN, ý kiến của nhiều chuyên gia thương mại, nhà quản lý cho rằng, cần gói hỗ trợ riêng để DN tận dụng FTA.
Nhấn mạnh việc Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các giải pháp này hỗ trợ chung cho tất cả DN, dù đó là DN xuất khẩu hay DN nhập khẩu, mà chưa có định hướng hỗ trợ chuyên sâu cho DN xuất khẩu tiếp cận từng FTA hay từng thị trường. Bởi vì mỗi thị trường có những quy định riêng, những đặc thù riêng. Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) cũng chỉ ra những điểm hạn chế trong hoạt động hỗ trợ DN thực thi các FTA. Mặc dù các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng lực vẫn được triển khai tại nhiều địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận từ thị trường các FTA...
Để hỗ trợ tốt hơn cho các DN xuất khẩu, bà Bùi Thu Thủy đề xuất, việc hỗ trợ DN đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường cần có trọng tâm, trọng điểm, không hỗ trợ chung chung, ví như những gói hỗ trợ DN đáp ứng tiêu chuẩn xanh; DN tham gia xuất khẩu để tận dụng được FTA... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có kế hoạch rà soát để sửa đổi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó phải tính đến những chính sách dành riêng cho các nhóm DN và đi theo những gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn. Do vậy, ngoài xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông thường thì phải có những chính sách dành riêng cho các nhóm DN, theo các gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt, từ đó mới có thể tận dụng được lợi thế của FTA.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA. Tư duy của hệ sinh thái này chính là kết nối tất cả chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị, huy động được sự tập trung nguồn lực từ phía các bộ, ngành, hiệp hội. Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai công tác hỗ trợ vào 6 ngành: Dệt may; da giày; thủy sản; cà phê; quế và điều.