Ảnh minh họa
40.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì các bệnh do thuốc lá
Ngày 25-9, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Tổ chức HealthBridge (Canada) tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), giải pháp tăng thuế trong PCTHTL.
Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 tại ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình, cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%.
Việt Nam đã và đang chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá. Năm 2015, tổng số tiền người dân Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá lên tới 31.000 tỷ đồng. Cùng với đó, sẽ mất thêm 24.000 tỷ đồng (tương đương gần 1% tổng GDP cả nước 2011) là tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra, bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp PCTHTL hiệu quả.
Tăng thuế để giảm tỷ lệ hút thuốc
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là “tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ”, tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%). Vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất.
Cho nên, tăng thuế TTĐB nhằm tăng giá thuốc lá là một giải pháp hiệu quả, nhằm giảm sức mua thuốc lá và ngăn ngừa bệnh tật, tử vong do thuốc lá.
"Nếu áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thuốc, khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm từ 45,3% xuống còn 39% vào năm 2020 (tương đương 1,8 triệu người) và giúp phòng tránh được 900.000 ca tử vong sớm trong tương lai”, ông Lâm nhấn mạnh và cho biết thêm, WHO đã chứng minh, tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển, và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo.
Đồng quan điểm nêu trên, bà Pamela Sumner Coffey, Phó Chủ tịch Chương trình quốc tế, Tổ chức Hành động vì trẻ em không thuốc lá Hoa Kỳ (TFK) khuyến nghị Việt Nam cần có chiến lược tăng thuế thuốc lá. Theo bà, tăng thuế và tăng giá thuốc lá là giải pháp quan trọng để hỗ trợ triển khai toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả Luật PCTHTL.
Đại diện Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu TTĐB với thuốc lá ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc để có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2020.
Có tới 69 loại hóa chất gây ung thư trong khói thuốc lá
Trong thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất, trong đó có tới 69 loại hóa chất gây ung thư. Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra các bệnh về tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Thuốc lá là hung thủ gây ra 11 loại ung thư như: Ung thư họng, hầu họng, thực quản, phổi-khí quản-phế quản, bạch cầu cấp, dạ dày, tụy, thận-niệu quản, đại tràng, cổ tử cung, bàng quang. Đặc biệt, 70% ca ung thư phổi là do thuốc lá.
Các chất độc trong thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút thuốc, mà những người hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động) cũng có nguy cơ mắc bệnh tương tự. Theo thống kê của WHO, năm 2010, hút thuốc thụ động giết chết hơn 600.000 người trên toàn thế giới, trong đó, phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh như hút thuốc lá chủ động. Bệnh thiếu máu cục bộ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen suyễn và ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất của người chết liên quan đến khói thuốc lá.
Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thường bị mắc các bệnh về đường hô hấp, u lympho, bệnh bạch cầu và các bệnh dị ứng như viêm mũi, viêm da và dị ứng thực phẩm.
Theo Chính Phủ