Tạo động lực cho bóng đá Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ
01/02/2025 - 19:22
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược) đã đặt ra cho ngành Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) những mục tiêu cụ thể về thành tích tại các giải đấu cấp khu vực, châu lục và thế giới. Trong đó, bóng đá nam lọt vào tốp 10 châu Á, bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á, đồng thời giành quyền tham dự World Cup.
AA
Cơ hội và thách thức cho Bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam qua 2 giai đoạn (2012-2020 và 2021-2030) đã đạt được một số mục tiêu như: Đội tuyển nữ xuất sắc giành vé tham dự Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới năm 2023; 3 lần liên tiếp giành huy chương Vàng tại các kỳ SEA Games 2017, 2019, 2022, nâng tổng số lần vô địch SEA Games của Bóng đá nữ Việt Nam lên 8 lần. Đội tuyển nam giành chức vô địch Đông Nam Á (ASEAN Cup) các năm 2018 và 2024, lọt vào vòng Tứ kết giải vô địch châu Á, lần đầu tiên tham dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022…
Quyết định 1189/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền Thể dục thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp.
Để tiếp tục phát triển Bóng đá Việt Nam theo đúng định hướng, sớm đạt được mục tiêu đề ra trong những giai đoạn tiếp theo, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đánh giá toàn diện việc thực hiện Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam giai đoạn 2013 tới nay; bổ sung và điều chỉnh các nhóm giải pháp chiến lược trong giai đoạn tiếp theo tới 2030 và tầm nhìn 2045, bám sát các nội dung nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược mới ban hành, tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Anh Tú cho rằng, thời gian qua, Bóng đá Việt Nam từ phong trào tới các giải chuyên nghiệp, bóng đá nữ, bóng đá trong nhà (Futsal) và đặc biệt là cấp các đội tuyển quốc gia luôn có sức hút mãnh liệt đối với xã hội, tạo động lực mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc cả trong và ngoài nước. Bóng đá cũng chính là "đòn bẩy" thể thao đối với phong trào rèn luyện sức khỏe thanh thiếu niên và những người trong độ tuổi lao động, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Sự ra đời của Chiến lược chắc chắn sẽ mang đến những cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của Bóng đá Việt Nam thời gian tới.
Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Chiến lược đề ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã rà soát lại toàn bộ các nội dung công việc đã triển khai từ sau khi có Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam (theo Quyết định số 419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/3/2013) để thấy rõ những thành công, những tồn tại, hạn chế trong công tác phát triển. Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp, sát thực với tình hình thực tiễn của Bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo. Đồng thời, tạo sự tập trung thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện chế độ chính sách và đầu tư cho phát triển bóng đá; nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có truyền thống đóng góp cho thành tích của bóng đá quốc gia được hưởng ưu đãi về chính sách, thuế suất, đất đai phục vụ hoạt động thể thao như chính sách của nhà nước dành cho các doanh nghiệp công ích được nhà nước giao nhiệm vụ phát triển Bóng đá, đóng góp cho quốc gia và cộng đồng. Bố trí ngân sách và triển khai một số Đề án trọng điểm về: Đào tạo bóng đá trẻ, xây dựng hệ thống thi đấu, đầu tư về khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao cho Bóng đá Việt Nam. Mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nhân lực con người Việt Nam trong các tổ chức bóng đá quốc tế và các đơn vị thành viên của Liên đoàn và các đội tuyển quốc gia.
Ngoài ra, Liên đoàn tiếp tục tìm kiếm nguồn đầu tư thông qua các tổ chức bóng đá quốc tế và các nhà tài trợ, đối tác dành cho hoạt động bóng đá; tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền bóng đá phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Qatar… để tạo cơ hội phát triển cho Bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt chú trọng đầu tư vào các lứa cầu thủ trẻ
Để thực hiện được mục tiêu đưa Bóng đá Việt Nam tới World Cup, trong công tác huấn luyện bóng đá cũng cần ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá. Việc hoàn thiện các mục tiêu như trong Chiến lược đề ra cũng đòi hỏi phải có các giải pháp như phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá; chuyên nghiệp hóa ở mức cao bóng đá từ cấp câu lạc bộ cho đến đội tuyển quốc gia về cấu trúc, tổ chức, nhân sự, chuyên môn, thương mại, pháp lý, dịch vụ chăm sóc y tế…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Anh Tú cho rằng, bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, Bóng đá Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như: Tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế; đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ từ 17-20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023) khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034, các cầu thủ này sẽ ở lứa tuổi từ 24-28, là lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao. Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư, thực hiện cơ chế xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để nhanh chóng phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá; sẵn sàng đăng cai tổ chức các giải bóng đá cấp châu lục và thế giới.
Cùng với đó, Liên đoàn và các đối tác tập trung phát triển thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, đa dạng hóa các nguồn thu cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp; đối với bóng đá phong trào, bóng đá cộng đồng, bóng đá giải trí… Nhà nước cần khuyến khích và có cơ chế ưu đãi về thời hạn giao sử dụng đất, chính sách khuyến khích về thuế để vận động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển, trong đó, lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trẻ em tiếp cận với các cơ sở vật chất để tập luyện.
Với kế hoạch, mục tiêu được xây dựng cụ thể, đồng bộ và lộ trình thực hiện rõ ràng, hy vọng Bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần đưa Việt Nam tiếp cận và đạt tiêu chuẩn nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á, hướng tới hiện thực hóa "ước mơ" có mặt tại vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030-2045.
Theo NAM SƯƠNG (TTXVN)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: