Tạo động lực mới cho kinh tế An Giang

28/12/2020 - 06:12

 - Với việc được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu thông qua với mức điểm khá (bình quân 83,34 điểm), Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững” sẽ là cơ sở dữ liệu, thông tin quan trọng cho định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Những đề xuất của đề án góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế An Giang.

Ảnh: H.C

Nhiều khó khăn, thách thức

An Giang được xem là “vựa lúa” của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh vùng Tây Nam Tổ quốc. An Giang cũng là thủ phủ, cái nôi của ngành nuôi trồng cá tra, nơi khai sinh mô hình “Cánh đồng lớn” và cũng duy trì, phát triển rất tốt mô hình này. Tỉnh đã chuyển đổi Tứ giác Long Xuyên từ vùng đất thấp, bị bỏ hoang thành vùng đất nông nghiệp trù phú.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Đại học Fulbright Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững”), những thành công này là nền tảng cho sự phát triển của nông nghiệp tại An Giang. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi.

Những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của tỉnh như: cá tra, lúa gạo, tôm đã bão hòa về năng suất và sản lượng, điều kiện nuôi trồng ngày càng bất lợi, thị trường đầu ra bấp bênh. An Giang từng có thời kỳ tăng trưởng nhanh (giai đoạn 2005-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,18%) nhưng từ sau năm 2010, tăng trưởng thấp và bấp bênh; dịch chuyển cơ cấu kinh tế còn chậm; cơ sở thu ngân sách hạn hẹp và thiếu bền vững; thu nhập bình quân đầu người tại An Giang chỉ đạt 3,8 triệu đồng/tháng, trong khi bình quân cả nước là 4,3 triệu đồng/tháng.

Những năm qua, lực lượng doanh nghiệp (DN) tại An Giang có phát triển nhưng chưa tương xứng, phụ thuộc vào khu vực kinh tế tư nhân nhưng quy mô DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Về diện tích đất, không còn nhiều dư địa để khai thác theo chiều rộng khi chỉ còn 0,32% diện tích đất chưa sử dụng, chủ yếu là đồi núi.

Dù là tỉnh được ưu đãi nguồn tài nguyên nước mặt phong phú (500 tỷ m3/năm) nhưng mức ô nhiễm khá cao. Hiện nay, trữ lượng khai thác nước ngầm đạt 815.471m3/ngày đêm nhưng do khai thác quá mức nên 4 huyện (Chợ Mới, Phú Tân, An Phú và TX. Tân Châu) bị nhiễm ASEN, trong khi các huyện: Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên vẫn thiếu nước trong mùa khô.

Đối với tài nguyên khoáng sản, trữ lượng dần cạn kiệt khi những khoáng sản phi kim như: cát, đá, sét được quy hoạch khai thác triệt để (25 triệu m3 đá, 56 triệu m3 cát và 37 triệu m3 sét), khả năng mở mỏ khoáng sản mới hạn chế do trữ lượng không còn nhiều…

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, do điều kiện việc làm tại chỗ chưa đáp ứng nên tỷ lệ xuất cư ròng của An Giang đứng trong nhóm đầu ĐBSCL. Năm 2018, lượng người xuất cư của An Giang chiếm 9,9% dân số, đứng thứ 3 vùng ĐBSCL, chỉ sau Sóc Trăng (14,5%) và Trà Vinh (11,2%). Thống kê cuối năm 2019, dân số An Giang có khoảng 1,9 triệu người, giảm đến 300.000 người so trước đây.

Dù số lượng lao động bỏ quê đi làm ăn xa khá lớn nhưng chất lượng không cao, chủ yếu lao động phổ thông, trình độ thấp. Thống kê năm 2008, có 36.946 học sinh vào học lớp 1 nhưng đến năm 2019, số học sinh học lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT là 15.842 học sinh, tỷ lệ đậu tốt nghiệp hơn 97%. Như vậy, cứ 100 học sinh vào lớp 1, chỉ có 42 học sinh tốt nghiệp THPT.

Cùng với “điểm nghẽn” về nguồn nhân lực thì hạn chế về hạ tầng giao thông cũng gây cản trở sự phát triển của tỉnh. Trên các tuyến Quốc lộ 91, 91C, 91N, mặt đường hẹp, người dân ở dọc theo đường, tốc độ lưu thông thấp; thiếu các đường ngang để kết nối và thiếu trục song song với Quốc lộ 91 để phân tán lượng giao thông.

Kết nối giao thông không thuận lợi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thế mạnh du lịch (DL). Thực tế những năm qua, lượng khách đến An Giang tăng mạnh nhưng doanh thu chưa tăng tương xứng. Nguyên nhân do dịch vụ lưu trú hạn chế, DL còn mang tính mùa vụ, thiếu sản phẩm, dịch vụ DL chất lượng, đặc trưng, tính liên kết sản phẩm DL còn thấp, dịch vụ thanh toán kém, thất thu thuế lớn…

Để khắc phục tính mùa vụ trong DL, TS Vũ Thành Tự Anh đề xuất tập trung vào 2 hướng: phát triển thêm sản phẩm DL (văn hóa, trải nghiệm) và tạo sinh kế cho lao động DL trong mùa thấp điểm. Cần có chính sách thúc đẩy người dân chuyên nghiệp hóa DL “homestay” để giải quyết nhu cầu cung ứng dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng chính sách xã hội hóa để tạo nguồn thu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho DL; thực hiện nghiên cứu, khảo sát nhu cầu khách hàng để xây dựng sản phẩm DL cùng chính sách quảng bá, truyền thông phù hợp. Cùng với đó, xây dựng và áp dụng công nghệ 4.0 vào việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu về thông tin, định vị, hướng dẫn, tư vấn DL, chuyển tải ngôn ngữ…

Để khắc phục điểm yếu trong nông nghiệp, cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, tổ chức nông dân với DN để đảm bảo kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển để giảm chi phí Logistics. “An Giang có thể xin điều chỉnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực từ đảm bảo diện tích canh tác sang đảm bảo sản lượng hay giá trị. Từ đó, tạo nguồn lực về quỹ đất cho các lĩnh vực có giá trị cao hơn” - TS Vũ Thành Tự Anh kiến nghị.

Tăng trưởng bền vững

Khi thực hiện Đề án “Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang: Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững”, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận thấy rằng, điểm mạnh của kinh tế An Giang là có nguồn tài nguyên sinh thái giàu có, tài nguyên nông nghiệp phong phú, tài nguyên DL to lớn và đa dạng, hệ thống sông ngòi có tính kết nối cao, lãnh đạo tỉnh có khát khao và chịu sức ép thay đổi.

Tuy nhiên, điểm yếu của tỉnh là xa TP. Hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng thiếu, yếu, kém kết nối, không đồng bộ; ngân sách hạn hẹp, huy động nguồn lực khó; nông nghiệp truyền thống, năng suất cao nhưng giá trị thấp, quy mô nhỏ, manh mún; chưa có DN lớn, có năng lực cạnh tranh cao; các cụm ngành, chuỗi giá trị chưa cạnh tranh.

Cùng với đó là những thách thức do biến đổi khí hậu, đập thủy điện thượng nguồn Mekong, thị trường sản phẩm nông nghiệp ngày một khó tính. An Giang được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên nên chưa được đầu tư mạnh vào các lĩnh vực có khả năng tăng trưởng nhanh.

Dù vậy, tỉnh cũng đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi sự tham gia của nền công nghiệp 4.0 giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ đã và đang tăng cường đầu tư mới cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL, tạo điều kiện cho An Giang thu hút đầu tư, phát huy những tiềm năng, thế mạnh.

Từ thực trạng này, nhóm nghiên cứu gợi ý mục tiêu tổng quát trong chiến lược phát triển kinh tế của An Giang trong 10 năm tới là “chuyển đổi mô hình phát triển, khôi phục tốc độ tăng thu nhập của người dân, kiến tạo môi trường cho DN phát triển”.

Nếu An Giang muốn dựa vào nông nghiệp thì phải phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, thay cho nền sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đối với DL, trong ngắn và trung hạn chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nền tảng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, DL rất quan trọng trong việc cải thiện công ăn việc làm, thu nhập cho người dân và hình ảnh của An Giang.

“Hạ tầng giao thông là nút thắt lớn nhất cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, vận động để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thông suốt, đồng bộ, chất lượng, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ cần được xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu của An Giang trong thời gian tới” - TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Mục tiêu phát triển chiến lược của An Giang cần dựa trên 3 trụ cột: không ngừng cải thiện phúc lợi và thu nhập của người dân; luôn đồng hành với sự phát triển của DN; liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN