Giai đoạn 2016-2010, phong trào thi đua được các ngành, các cấp triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh An Giang thường xuyên phối hợp các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chú trọng việc phát hiện và nhân rộng các gương “người tốt - việc tốt”, xây dựng những mô hình hay, cách làm mới, suy tôn, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực cho phong trào thi đua.
Từ đó, tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào thi đua trong tỉnh ngày càng phát triển. Đồng thời, góp phần khắc phục khó khăn, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định xã hội và giữ vững an ninh chính trị địa phương.
Công nhân lao động thi đua tăng năng suất lao động
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là hướng vào việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, nhà nước, địa phương.
Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển công trình phúc lợi cơ sở hạ tầng, tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần phát triển sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Các doanh nghiệp thi đua khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, năng động sáng tạo tìm kiếm thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh đó, hưởng ứng phát động thi đua của UBND tỉnh, các sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể đã phát động nhiều phong trào để vận động rộng rãi nhân dân tham gia, như: xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương, nhà Đồng đội, Mái ấm công đoàn, Mái ấm ATV. Các phong trào của Đoàn Thanh niên, như: “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm”, “Biên cương thắm thiết tình quân dân”...
Tại các huyện, thị xã, thành phố phát động phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng cầu, đường; nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi; mua xe chuyển viện cho bệnh nhân nghèo... Trong doanh nghiệp, nhiều phong trào thi đua cũng được phát động và triển khai, như: phong trào “Doanh nghiệp vì người lao động”, “Doanh nghiệp nộp thuế tốt”...
Hưởng ứng phong trào thi đua, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp tăng lợi nhuận (mô hình trồng sen lấy củ)
Một trong những phong trào thi đua được cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng nhiệt tình là phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp các quy định của Đảng, nhà nước và tình hình thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, phong trào đã được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng và nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức.
Nhờ thực hiện phong trào, kỷ cương, kỷ luật hành chính ở các cơ quan, đơn vị ngày càng tăng cường gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác.
Thông qua các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết phấn đấu thi đua lập thành tích thiết thực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
THU THẢO