Giờ học âm nhạc của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh tư liệu: Trung Kiên/TTXVN
Đáp ứng nhu cầu học tập của đồng bào dân tộc thiểu số
Cô giáo Đinh Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện Thanh Sơn cho biết, hiện trường có 358 học sinh theo học, trong đó 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do các em học sinh đều ở nội trú, xa gia đình, xa bố mẹ, phải tự chăm sóc bản thân nên nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, nhà trường quan tâm, chăm lo cho các em về mọi mặt; tìm tòi, đổi mới các phương pháp giảng dạy để các em dễ tiếp thu, đảm bảo mục tiêu đào tạo các em phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất.
Thầy giáo Phan Xuân Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn thông tin, toàn huyện có 78 trường với tổng số 1.156 lớp, có 31.325 học sinh, trong đó phần lớn số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học tại trường dân tộc nội trú, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục, nhất là tại các điểm trường vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, nơi có đông con em dân tộc thiểu số theo học. Hiện nay, toàn huyện có 66 trường học được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 84,62%.
Theo Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, tỉnh có số học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20% tổng số học sinh toàn tỉnh, gồm các dân tộc Mường, Dao, Tày, Cao Lan, Mông… Hầu hết các em đang sinh sống và học tập tại 10 huyện miền núi như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Ba.
Đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc nội trú bán trú phát triển về cả quy mô và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 5 trường dân tộc nội trú và 1 trường dân tộc bán trú với 62 lớp và 2.030 học sinh (trong đó 1 trường dân tộc nội trú Trung học Phổ thông; 1 trường dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông; 3 trường dân tộc nội trú cấp Trung học Cơ sở); học sinh dân tộc thiểu số cấp Trung học sơ sở, Trung học Phổ thông được học tại trường Phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đạt gần 10%.
Tỉnh Phú Thọ cũng đã triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn với số tiền trên 53 tỷ đồng, 18.170 lượt học sinh được hưởng. Trong đó hỗ trợ tiền ăn cho học sinh trên 43 tỷ đồng; hỗ trợ tiền nhà ở trên 8,7 tỷ đồng; hỗ trợ nấu ăn 724 triệu đồng; kinh phí mua sắm tủ thuốc, dụng cụ thể dục thể thao 233 triệu đồng và hỗ trợ hơn 1,2 tấn gạo cho 18.173 lượt học sinh. Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục, nhất là tại các điểm trường vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn đã đưa quy mô, mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học ngày một nâng cao; chất lượng đại trà của học sinh dân tộc thiểu số chuyển biến rõ nét, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa phương được thu hẹp đáng kể. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm tăng.
Đến nay, 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh có đủ hệ thống trường học các cấp từ Mẫu giáo, Tiểu học đến Trung học Cơ sở; tỷ lệ phòng học kiên cố vùng dân tộc thiểu số đạt 100%; tỷ lệ học sinh Mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông đạt 96,8%. Công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ quản lý, giáo viên vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai, các chính sách đối với học sinh, cán bộ, giáo viên tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định hiện hành.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thực tế hiện nay, chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế; công tác đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số hiệu quả chưa cao… Tiến tới xóa dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục, đào tạo ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang là mục tiêu đặt ra trong thời gian tới của tỉnh Phú Thọ.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng này.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đổi mới hoạt động, củng cố phát triển hợp lý các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Phú Thọ đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời, tỉnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ.
Cùng với đó, tỉnh sẽ bồi dưỡng kiến thức văn hóa, tiếng dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo ông Hồ Đại Dũng, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng sẽ được tỉnh chú trọng. Từ nay đến năm 2025, tỉnh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai xây dựng các mô hình đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đảm bảo 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 100%, học sinh trong độ tuổi học Tiểu học trên 99,2%, học Trung học Cơ sở trên 98,5%, học Trung học Phổ thông trên 72%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 99,4%; trên 55% lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số, người kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề…
Theo ĐẠI LÂM (TTXVN)