Niềm vui của các cầu thủ nữ Việt Nam khi ghi bàn thắng. Ảnh VFF
Những người may mắn
Sau khi giải nghệ, nữ tuyển thủ quốc gia Đặng Thị Kiều Trinh bắt đầu một hành trình tìm kiếm tương lai mới cho bản thân. Từng là thủ thành số một của Đội tuyển nữ Việt Nam, khi giải nghệ, Kiều Trinh đã thử sức với công việc kinh doanh quán cà-phê. Được sự hỗ trợ một phần của các ông bầu bóng đá nổi tiếng như bầu Đức và bầu Thắng, Kiều Trinh đã khai trương quán cà-phê Ông Bầu ở chung cư đường Ngô Quyền tại quận 5 (TP Hồ Chí Minh). “Công việc kinh doanh của tôi cũng ổn. Nguồn thu tàm tạm, nhưng thật sự thì chưa được thoải mái cho lắm. Quán cũng là nơi tá túc bởi hiện tại tôi chưa thể mua nhà”, nữ tuyển thủ một thời cho biết. Có lẽ, cựu thủ môn người Đồng Tháp này vẫn có được niềm vui là ở chỗ cô được làm đúng công việc chuyên môn khi đang làm huấn luyện tuyến trẻ của CLB bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh. Dường như cho đến thời điểm này, “cô gái vàng của bóng đá nữ Việt Nam” thuở nào cũng là cựu nữ cầu thủ bóng đá duy nhất mạnh dạn đầu tư vào kinh doanh quán cà-phê.
Ngược ra phía bắc, cựu hậu vệ thép của Đội tuyển nữ Việt Nam cũng như của bóng đá nữ Hà Nội là Nguyễn Thị Xuyến lại tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại khi làm công tác huấn luyện ở đội dự tuyển bóng đá nữ U16 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Cựu nữ tuyển thủ này cho biết, thu nhập với công việc hiện tại khá ổn nên có thể bảo đảm được nhu cầu cuộc sống. Nguyễn Thị Xuyến cũng cho biết, chị đang mở cửa hàng bán đồ thể thao để kiếm thêm thu nhập cũng như thỏa mãn sở thích kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, Đặng Thị Kiều Trinh hay Nguyễn Thị Xuyến chỉ là những gương mặt hiếm hoi chứ không phải đại diện cho số đông các cầu thủ khi giải nghệ. Nguyễn Thị Xuyến thừa nhận: “Không phải ai cũng may mắn như tôi khi có cuộc sống tương đối ổn định lại được làm đúng công việc chuyên môn”. Thực tế, số trường hợp như Nguyễn Thị Xuyến, Đặng Thị Kiều Trinh được tiếp tục gắn bó với nghiệp bóng đá sau khi dừng thi đấu là không nhiều. Những cựu cầu thủ may mắn có nghề nghiệp ổn định phần lớn trưởng thành từ những đội bóng có tài chính và định hướng tốt như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Than - Khoáng sản Việt Nam…, cho nên được tạo điều kiện để đi học và tham gia công tác huấn luyện sau khi giải nghệ. Nhưng như đã đề cập, những trường hợp không phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền, nghề nghiệp sau khi kết thúc sự nghiệp đá bóng chỉ chiếm một phần nhỏ trong làng bóng đá nữ nước ta.
Cơ hội nghề nghiệp không nhiều
Khác với bóng đá nam khi ngay cả ở những địa phương phong trào bóng đá không phát triển, nhưng các tuyến trẻ luôn được ưu tiên tổ chức để đào tạo. Chính vì thế, nhu cầu làm huấn luyện viên hoặc trợ lý huấn luyện cho các cầu thủ trẻ là khá cao, nhiều cầu thủ nam đã dễ dàng tìm được việc làm sau khi giải nghệ. Không những thế, thu nhập của phần lớn các cầu thủ nam rất tốt. Bên cạnh chế độ lương, thưởng cao, các cầu thủ nam còn có khoản lót tay lớn cho nên dễ dàng có nguồn vốn bảo đảm cuộc sống, thay đổi nghề nghiệp sau khi chia tay sự nghiệp quần đùi, áo số.
Tuy nhiên, với phần lớn các nữ cầu thủ sau khi giải nghệ thì sự ổn định về tài chính, nghề nghiệp chỉ là ước mơ. Hiện tại, cả nước chỉ có sáu địa phương duy trì được bóng đá nữ phát triển. Trong đó, các đội bóng nữ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phong Phú Hà Nam có xây dựng được một vài tuyến trẻ. Nhưng do nguồn cung về HLV quá lớn trong lúc nhu cầu lại không cao cho nên dẫn đến cảnh “khủng hoảng thừa”. Một khi không có việc làm đúng với chuyên môn, các cựu nữ cầu thủ đành rơi vào cảnh thất nghiệp, buộc phải đi tìm công việc mới để mưu sinh. Do thu nhập lúc còn thi đấu thấp, không có khoản lót tay như nam đồng nghiệp cho nên các nữ cầu thủ chỉ biết đi làm công nhân hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Chúng ta đã từng nghe đến câu chuyện nữ trung vệ Đội tuyển nữ Việt Nam Hải Hòa phải dựng xe bánh mì để bán ở lề đường. Cựu tiền đạo Nguyễn Thị Nguyệt của Phong Phú Hà Nam chuyển sang bán đồ ăn sáng. Một số cựu cầu thủ cũng cố níu kéo với nghiệp bóng đá khi tổ chức các lớp bóng đá học đường, tuy nhiên xem ra còn rất hạn chế.
Ngay trong môi trường bóng đá nữ, các nữ HLV cũng bị các nam đồng nghiệp cạnh tranh gay gắt. Việc chỉ có một HLV trưởng là nữ trong số tám đội dự Giải bóng đá nữ vô địch Quốc gia 2020 hiện tại cũng là minh chứng cụ thể cho thấy cơ hội làm nghề của các nhà chuyên môn là nữ giới đã ít lại càng ít đi. Nhìn vào thực trạng ấy, HLV Đoàn Việt Triều của bóng đá Thái Nguyên thừa nhận, rất nhiều cầu thủ nữ sau khi giải nghệ rơi vào cảnh thất nghiệp, phải đi làm công nhân không đúng với chuyên môn nghề nghiệp. Ông Triều cho biết: “Do những điều kiện, cơ chế cho nên ngay cả những cầu thủ đã tốt nghiệp đại học thể thao cũng không thể kiếm được việc làm. Họ đành phải đi làm công nhân để trang trải cho cuộc sống”.
Rõ ràng, câu chuyện giải quyết việc làm để bảo đảm cuộc sống sau khi giải nghệ “quần đùi, áo số” của các cầu thủ nữ là câu hỏi không dễ trả lời, khiến cho người trong cuộc phải luôn đau đáu.
Theo THÀNH HIẾU (Báo Nhân Dân)