Giám đốc Sở Tài chính Trần Minh Nhựt cho biết, ngay từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành tài chính tỉnh đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phương án điều hành NSNN theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế, nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 và đề ra các giải pháp điều hành cân đối ngân sách địa phương chủ động, tích cực.
Trong tổ chức thực hiện, cơ quan tài chính đã tập trung triển khai các giải pháp, chính sách thu NSNN hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách; chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ thuế, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023
Năm 2022, tổng thu NSNN từ kinh tế địa bàn 7.530 tỷ đồng, đạt 122% so dự toán, bằng 104% so cùng kỳ 2021. Cụ thể, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 451 tỷ đồng, đạt 196% dự toán, bằng 144% năm 2021; thu nội địa 7.080 tỷ đồng, đạt 119% dự toán, bằng 102% cùng kỳ. Trong đó, có 15/16 khoản thu đạt và vượt dự toán năm, gồm: Thu từ DN nhà nước Trung ương; thu từ DN nhà nước địa phương; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thu phí và lệ phí; thu tiền sử dụng đất; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản; thu khác ngân sách; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu cổ tức và lợi nhuận được chia và thu xổ số kiến thiết. Tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều thu vượt dự toán năm.
Năm 2022, tổng chi ngân sách địa phương 14.803 tỷ đồng, đạt 93% dự toán, bằng 108% so năm 2021. “Những năm gần đây, công tác quản lý chi ngân sách ngày càng chặt chẽ. Chúng ta đã thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm trong chi tiêu công, điều hành cân đối ngân sách địa phương, đảm bảo dự toán được giao, đảm bảo nguồn chi cho con người, bộ máy, thực hiện chi đúng, chi đủ theo chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước theo quy định của Luật NSNN” - ông Nhựt khẳng định.
Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - Ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đánh giá cao kết quả mà ngành tài chính đã đạt được. “Ngành tài chính đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới để trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp khắc phục. Đây là việc làm cần thiết, để bước sang năm mới 2023, lĩnh vực tài chính - ngân sách tiếp tục tỏa sáng trong bức tranh tổng thể phát triển KTXH của tỉnh, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, điều hành bộ máy, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh” - bà Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dự báo tình hình năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, tăng trưởng sẽ chậm do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, từ đó tác động mạnh mẽ, đa chiều đến phát triển KTXH của đất nước và tỉnh. Vì vậy, ngành tài chính cần chú trọng, thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh cho người dân và DN sau đại dịch COVID-19.
Về chi NSNN, cần tập trung điều hành, quản lý chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả và theo đúng dự toán HĐND tỉnh giao. Nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc chi ngân sách cho các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết cùng các khoản chi chưa thật sự cần thiết khác... Tiếp tục rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định; chủ động tham mưu điều hành dự phòng ngân sách cấp tỉnh để đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi cấp bách phát sinh trên địa bàn tỉnh (khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...).
“Về quản lý, sử dụng tài sản công, tiếp tục siết chặt việc thực hiện mua sắm tài sản, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ theo quy định. Các đơn vị, địa phương thực hiện mua sắm tài sản công qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng lộ trình quy định; hạn chế mua sắm trang thiết bị đắt tiền; thực hiện việc sắp xếp, mua sắm, quản lý, sử dụng xe ôtô phục vụ công tác theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.
|
MINH HIỂN - TRUNG HIẾU